Vai trò của Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Người Khiếm thính (CED) trong thực hành nghề công tác xã hội

Bài viết này trình bày về các dịch vụ hỗ trợ người khiếm thính của Trung tâm nghiên cứu giáo dục người khiếm thính (CED) liên quan thế nào tới thực hành nghề công tác xã hội. Qua đó, phân tích vai trò quan trọng cũng như những đóng góp của tổ chức liên quan tới nghề. Cơ hội và thách thức đối với thực tiễn hoạt động của tổ chức cũng được trình bày.
I.    Đặt vấn đề

Theo số liệu của Tổng cục thống kê dân số và nhà ở năm 2009, Việt Nam có khoảng 2,5 triệu người khiếm thính (NKTh) bao gồm người điếc, nghe kém và người bị mất thính lực muộn. Người điếc, không nói chuyện, giao tiếp bằng ngôn ngữ ký hiệu. Người nghe kém, có hay không có máy trợ thính/ ốc tai điện tử, nghe bằng đọc tín hiệu môi và có thể nói chuyện (dù không tròn vành rõ tiếng). Người mất thính lực muộn, thường trên 16 tuổi, hoàn toàn không nghe được, giao tiếp bằng bút đàm.

Cho tới thời điểm hiện nay, cả nước chỉ có trường chuyên biệt cấp 1 cho học sinh điếc và các em mất từ 7 – 10 năm học xong tiểu học. Một vài là trường cấp hai hoặc có chương trình cấp hai. Các em nghe kém thì học hòa nhập ở các cấp bậc và thật sự cần sự hỗ trợ để được đánh giá năng lực một cách công bằng hơn là cào bằng.

Trung tâm nghiên cứu giáo dục người khiếm thính (sau đây gọi tắt là CED) được thành lập vào 19/01/2011, là tổ chức xã hội đầu tiên và duy nhất hiện thời tại Việt Nam do người khiếm thính thành lập và phục vụ vì NKTh. Với sứ mệnh cam kết giúp người đồng cảnh khiếm thính trên bước đường hòa nhập xã hội, xây dựng hình ảnh tích cực về cộng đồng khiếm thính và là cầu nối gắn kết người nghe bình thường (NNg) và NKTh lại với nhau, CED đã và đang cung cấp các dịch vụ sau: (1) Vận động chính sách; (2) Tham vấn đồng cảnh, tư vấn; (3) Giáo dục và đào tạo; (4) Giới thiệu học nghề và việc làm; (5) Quỹ hỗ trợ máy trợ thính cho trẻ khiếm thính gia đình nghèo; (6) Xuất bản sách, báo liên quan tới lĩnh vực hiếm thính, DVD về ngôn ngữ ký hiệu; (7) Cung cấp dịch vụ nhân viên hỗ trợ, thông dịch chuyển lời nói thành văn bản; (8) Tư vấn, đánh giá dự án về lĩnh vực khiếm thính; (9) Tư vấn cho doanh nghiệp xã hội làm việc với NKT.

Trong các dịch vụ hiện có, Giáo dục vào đào tạo (GD&ĐT) là hoạt động chủ đạo của CED cung cấp ba chương trình chính cho NKTh như can thiệp sớm, giáo dục hòa nhập (GDHN) và giáo dục chuyên biệt (GDCB) có kết hợp các kỹ năng đọc tín hiệu môi, kỹ năng sống độc lập, kỹ năng học tập trong môi trường hòa nhập v.v…; và chương trình cho NNg như ngôn ngữ ký hiệu, kiểm huấn công tác xã hội (CTXH) …

Với triết lý, hoàn cảnh sẽ thay đổi khi con người muốn đổi. NKTh khi được phát triển nội lực, sẽ tự thân hoặc biết kêu gọi sự trợ giúp để giải quyết các vấn đề của mình. Khi đó, họ sẽ có động cơ, thái độ học tập đúng đắn, và như vậy, giáo dục mới làm nên sự phát triển. Chính từ triết lý này mà CED cung ứng các dịch vụ kể trên, tạo một sự hỗ trợ khép kín từ trẻ đến người trưởng thành khiếm thính; từ NKTh đến NNg để NNg có kiến thức và kỹ năng hỗ trợ NKTh hòa nhập xã hội.

II. Các dịch vụ hỗ trợ người khiếm thính của CED – Công tác xã hội gắn liền với giáo dục

Cũng như những người khuyết tật (NKT) khác tại Việt Nam, NKTh phải đối mặt với các vấn đề tiếp cận giáo dục, việc làm, môi trường tiếp cận, rào cản về giao tiếp … khi hòa nhập xã hội.

2.1.    Đẩy mạnh nâng cao nhận thức để việc hòa nhập thực sự và trọn vẹn

 Công ước Quốc tế về quyền của người khuyết tật “Thừa nhận rằng khuyết tật là một khái niệm mới và rằng khuyết tật là kết quả của sự tương tác giữa những người có khiếm khuyết và những rào cản về thái độ và môi trường mà ở đó hạn chế sự tham gia một cách đầy đủ, và có hiệu quả vào các hoạt động trên cơ sở bình đẳng với các thành viên khác trong xã hội”. Theo khái niệm trên, khuyết tật là hạn chế sự tham gia, và như vậy là hạn chế việc hòa nhập. Để thúc đẩy tiến trình hòa nhập của NKT, việc nâng cao nhận thức không chỉ dành cho NKT – để họ tự tin hòa nhập – mà còn với cả người không khuyết tật – để họ biết cách hỗ trợ NKT.

Có câu nói rằng “Không ai cô lập NKT, chỉ có NKT chưa đủ tự tin và kỹ năng để hòa nhập”. Tuy nhiên, bản thân NKT tự tin thôi chưa đủ, họ cần lắm thái độ chấp nhận của cộng đồng hay ít ra, có hiểu biết về những khó khăn của họ. Vận động chính sách, biện hộ là một cách thức mà CED giúp cộng đồng cởi mở hơn với NKTh.

 Để thực hiện hoạt động này, ngoài việc tham gia vào các hội nghị, hội thảo được tổ chức bởi Ủy ban các vấn đề về xã hội của Quốc hội, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, .. , CED cũng tự mở các hội thảo về các chủ đề xoay quanh NKTh và cách hỗ trợ họ. Chia sẻ cho càng nhiều người biết về NKTh càng tốt luôn là mục tiêu chính của CED.

 Những năm gần đây, nhiều đơn vị tổ chức các chương trình hướng về cộng đồng hay gọi là học tập cộng đồng (service learning) như Habataku, Cross field, HVIET, … đưa các sinh viên, học sinh, người Việt trẻ từ Mỹ, Nhật, Châu Âu, Châu Á (Myanmar, Singapore, Malaysia …) tìm hiểu về các tổ chức xã hội ở Việt Nam, trong đó có CED, nhằm học hỏi cách các tổ chức xã hội vận hành như thế nào để vượt qua những khó khăn về tài chính, nhân lực; những tác động xã hội do các tổ chức mang lại cho cộng đồng v…v…

Nói xa là vậy, nói gần là sự thay đổi nhận thức trong chính gia đình, người thân nhìn vào NKTh. Một em gái 23 tuổi dẫn em trai 22 tuổi tới xin học văn hóa (xóa mù chữ). Người chị luôn búng tay khi muốn em trai chú ý. Hỏi tại sao làm vậy? Trả lời, “Nó đâu biết gì, đâu nghe được gì!” Nếu nói không biết, vậy tại sao em trai hiểu được ý chị qua cái búng tay? Và nếu búng tay có thể hiểu được thì hành vi giao tiếp theo cách tôn trọng hơn chắc chắc sẽ được hiểu. Em trai khiếm thính không phải thiếu năng lực mà do ở người chị không nhìn ra và tin vào khả năng của em mình.

2.2.    Cung cấp công cụ vào phương tiện hỗ trợ

Nâng cao nhận thức cho NKTh là bước đầu, cung cấp cho họ công cụ và phương tiện hỗ trợ để việc nâng cao nhận thức có hiệu quả phải được kèm theo. Máy trợ thính (MTT) là thiết bị hỗ trợ nghe và đắc tiền. MTT có sẵn trên thị trường nhưng chưa sẵn sàng để được mua. Trước đây, chúng ta nói rằng, trẻ khiếm thính cần được hỗ trợ MTT, nhưng theo Công ước Quốc tế về quyền của người khuyết tật, điều này được hiểu là “trẻ khiếm thính có quyền được có MTT” dù chúng là trẻ sinh ra trong gia đình nghèo. Nhìn ra vấn đề nầy, CED thiết lập Quỹ hỗ trợ máy trợ thính cho trẻ khiếm thính gia đình nghèo từ năm 2012. Đến nay, CED đã tặng trên 600 MTT, hơn 300 trẻ có máy đeo, được học và nói chuyện được. Một con số tuy nhỏ so với số NKTh ở Việt Nam nhưng là một thành quả to lớn đối với một tổ chức còn non trẻ như CED.

 Khi có MTT, trẻ cần được dạy nghe và nói với MTT, được rèn luyện kỹ năng đọc tín hiệu môi để có thể tăng hiệu quả của máy. CED là tổ chức duy nhất có chương trình dạy đọc tín hiệu môi cho các bé học hòa nhập. Với kỹ năng này, các em khắc phục được phần nào hạn chế của việc nghe trong môi trường ồn.

 Song song đó, CED cũng đã nghiên cứu được kỹ thuật thông dịch chuyển lời nói thành văn bản (caption hay còn gọi là speech-to-text) qua đào tạo NNg đánh máy nhanh. CED cũng kết hợp với một công ty của Hà Lan, sáng chế ra bàn phím chuyên dụng dùng đánh caption tiếng Việt. Tiếc rằng, CED chưa có kinh phí để mua các bàn phím này để mà phát triển dịch vụ caption thành chuyên nghiệp.

Tuy nghe và nói là đường hướng giáo dục chính tại CED, điều này không có nghĩa CED không đầu tư hỗ trợ cho người điếc. Hàng năm, CED đào tạo gần 100 NNg học ngôn ngữ ký hiệu để họ có thể giao tiếp, hỗ trợ người điếc trong cộng đồng.

2.3.    Xây dựng mạng lưới hỗ trợ

Nhìn ra sức mạnh của sự hợp tác, CED thành lập mạng lưới hỗ trợ NKTh bao gồm: Hội chữ thập đỏ, Các Hội bảo trợ và Hội Liên hiệp các tổ chức hữu nghị một số tỉnh thành, nhóm thông dịch NNKH, Công ty bán máy trợ thính, Tổ chức tặng máy trợ thính cho trẻ như Power of Hearing, nhóm Bác sĩ Tai-Mũi-Họng, Chuyên gia tâm lý, Nhóm CTXH, …
 NKTh khi cần bất cứ sự hỗ trợ nào ở bất kỳ lĩnh vực nào, mạng lưới hỗ trợ này có thể tham gia và tư vấn cũng như giới thiệu tới nơi mà NKTh có thể nhận được sự hỗ trợ. 

2.4.    Phát triển nội lực – Tự phát triển

Tôi mãi không bao giờ quên được câu hỏi của một em người điếc 30 tuổi “Em phải nỗ lực như thế nào?” Như những người điếc khác, em chỉ học tới cấp 1 rồi nghỉ, không bạn bè, không giao tiếp được, không có việc làm. Em chỉ ở nhà và điều này làm gia đình không hài lòng. Em phải làm công việc nhà như bù lại “tội không làm ra tiền”. Chẳng ai hiểu khi em mệt mỏi và không muốn làm. Tôi được nhờ khuyên bảo em phải cố gắng, em đã trả lời tôi như thế. Đúng! Em biết cố gắng như thế nào, khi chẳng có sự hỗ trợ nào và cũng không được cho cơ hội để cố gắng.

Phụ huynh NKTh thường có thói quen làm giúp, trả lời giúp vì cứ nghĩ con mình không nghe, nói nhiều mệt, thôi thì làm cho xong. Một em sinh viên nghe kém đi cùng ba tới gặp tôi. Mọi câu tôi nói ra đều được người cha diễn giải lại, trong khi cô con gái thì một mực, biết rồi, biết rồi … kèm theo thái độ khó chịu với ba mình. Hoàn toàn dễ hiểu là cô gái thấy tự ái vì ba làm quê trước mặt người khác (cô gái có thể suy nghĩ là “con học đại học rồi, có phải ngu dốt gì mà ba cứ phải dịch lại???”) , còn người cha thì cứ sợ con không nghe. Tôi đã đề nghị hai cha con nên thỏa thuận: người cha hãy cho con không gian để thở và có thể kiểm tra con nghe và hiểu được gì khi về nhà; cô gái thì nên khéo léo thể hiện bản thân qua cách đề nghị cha hãy để mình tự trả lời, con sẽ hỏi cha khi không nghe v.v…

Làm cha mẹ, lo cho con là điều tốt, nhưng giúp con có thể tự đứng trên đôi chân của mình, giúp con có kỹ năng tự xoay sở khi gặp khó khăn, tự ra quyết định, và giúp con có thể tự phát triển được thì còn tốt hơn. Dịch vụ giáo dục của CED huấn luyện cho học viên có những kỹ năng này cũng như tư vấn phụ huynh cùng phối hợp phát triển nội lực cho các em.
2.5.    Thực hành công tác xã hội

Hàng năm, CED luôn tiếp nhận sinh viên của một số trường đại học thực hành CTXH. Có thể nói, CED là nơi duy nhất hiện thời cung cấp cho sinh viên trải nghiệm về công tác xã hội với NKTh. Sinh viên hướng dẫn NKTh đi xe buýt, cách cư xử với người thân trong gia đình, cách lập kế hoạch làm việc nhà giúp cha mẹ, hay tự phục vụ … Sinh viên có thể giúp giáo viên luyện cho trẻ phát âm, tương tác cùng trẻ, sửa những hành vi chưa đúng, gợi ý cách giải quyết việc liên quan tới trẻ v.v…

CTXH với NKT không còn xa lạ gì với người trong ngành, nhưng mãi mãi chúng còn vẫn còn mới khi mà NKTh vẫn chưa được hiểu cho đúng cách theo nhận thức và trong cách hỗ trợ.

III.  Vai trò CED trong thực hành nghề công tác xã hội  - Cơ hội và thách thức

Hơn 6 năm đi vào hoạt động, CED luôn cố gắng cung cấp những dịch vụ chất lượng, đáp ứng nhu cầu và khả năng của người khiếm thính, đồng thời nghiên cứu phát triển thêm các chương trình mới để tự làm mới mình và hoạt động hiệu quả hơn. Trong ý nghĩa về vai trò thực hành nghề CTXH tại tổ chức, một số cơ hội và thách thức đối với tổ chức như sau:
Cơ hội:
-         Ngày càng có nhiều chính sách về NKT, CTXH … tạo hành lang thông thoáng cho việc thực hành và triển khai hoạt động CTXH với NKT được triệt để hơn;
-         Hơn 20 năm GDHN được thực thi tại Việt Nam đã tạo cho con người những trải nghiệm quý báu, ý thức và niềm tin vào sự thay đổi, tin vào điều CED đang hướng tới;
-        NKT nói chung và NKTh nói riêng đã nhìn ra vai trò của mình: không thể luôn là đối tượng được ban phát mà phải tham gia đóng góp cho xã hội như những tác nhân xây  dựng cộng đồng;
-       Phụ huynh đã nhìn thấy tương lai của con em khiếm thính và đã hiểu biết rằng, gia đình là tác nhân chính cho sự thành công trong giáo dục trẻ khuyết tật;
-       Việc ký Công ước Quốc tế về quyền của người khuyết tật cũng như tiến trình hội nhập Quốc tế, tạo cơ hội cho các tổ chức như CED phát huy vai trò hỗ trợ NKTh hòa  nhập.
Thách thức:
-         Việc thực thi chính sách không triệt để, thiếu cái tâm trong việc … lấy đi cơ hội hòa nhập của NKTh;
-         Dù đang hướng đến mô hình xã hội, nước ta vẫn còn tồn động mô hình từ thiện và y tế. Tâm lý chờ người cho thay gì tận dụng từng giây phút và điều kiện của gia đình để  phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật; tin vào cách chữa bệnh của “Thần y” gây hại cho NKTh;
-         NKTh và gia đình thiếu lòng tin vào sự nỗ lực, hỗ trợ … chấp nhận số phận hiện có;
-         Tinh thần phối hợp hỗ trợ đối tượng thiệt thòi còn yếu trong cộng đồng.

IV.   Kết luận và kiến nghị

 Với vai trò không thể thiếu, CED đã và đang truyền niềm tin cho cộng đồng qua xây dựng những hình ảnh tích cực về NKTh mà trước đây vốn được xem là khó hiểu. Giáo dục không thôi chưa đủ, phải làm CTXH để việc học là hiệu quả. CTXH không thôi mà chưa hiểu cách phát huy năng lực qua giáo dục thì cũng khó thành công. CTXH gắn liền giáo dục tạo được sự phát triển bền vững vì xuất phát từ sự nỗ lực của con người đã được tôi luyện.

 Việc nhân rộng mô hình CED là cần thiết và cấp bách để đáp ứng cho nhu cầu của gần 3 triệu người khiếm thính hiện nay và cũng để góp phần thực thi quyền của NKT. Để có một xã hội hòa nhập cho tất cả từ nhận thức cho đến hành động, cần lắm những tổ chức như CED./.
 
Tác giả bài viết: Dương Phương Hạnh Cao học Quản lý Giáo dục, Cử nhân Hóa Sáng lập/Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Người khiếm thính (CED) Chủ tịch Liên đoàn Nghe kém Châu Á – Thái Bình Dương (APFHD)
Nguồn tin: trungtamkhiemthinh.org

Bài viết liên quan

IFHOH, I Love You !
Người khuyết tật cần những kỹ năng gì?

Bài đọc nhiều nhất

Thông báo

Video Clip