THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP CHO VIỆC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC GIÁO DỤC HÒA NHẬP TRẺ KHUYẾT TẬT Ở VIỆT NAM

Bài viết tập trung vào một số nội dung sau: (i) Thực trạng về chính sách liên quan tới phát triển nguồn nhân lực GDHN; (ii) Thực trạng nguồn nhân lực được đào tạo cho GDHN tại Việt Nam; (iii) Dữ liệu tham khảo và vài khảo sát liên quan đến nguồn nhân lực GDHN do Trung Tâm Nghiên Cứu Giáo Dục Người Khiếm Thính (CED) thực hiện. Bài viết cũng đề xuất vài giải pháp cho việc phát triển nguồn nhân lực cho GDHN cả về số lượng lẫn chất lượng.

ĐẶT VẤN ĐỀ
Theo “Trang thông tin hỗ trợ người khuyết tật” thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (BLĐTBXH), Việt Nam có khoảng 1,3 triệu trẻ em khuyết tật (TKT) độ tuổi 5 và 18 (NCCD, 2010). Tổng điều tra dân số 2009 cung cấp số liệu, chỉ 66,5 phần trăm TKT độ tuổi 6-10 được đi học tiểu học, trong khi tỷ lệ toàn quốc là 97,0 phần trăm.
Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), nguồn nhân lực (NNL) là toàn bộ những người trong độ tuổi và có khả năng lao động. Ngân hàng Thế giới thì cho rằng NNL là toàn bộ vốn con người bao gồm thể lực, trí lực, kỹ năng nghề nghiệp … của mỗi cá nhân. Phát triển nguồn nhân lực theo quan niệm của Liên hiệp quốc bao gồm giáo dục, đào tạo và sử dụng tiềm năng con người nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống. Phát triển nguồn nhân lực của một quốc gia: chính là sự biến đổi về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực trên các mặt thể lực, trí lực, kỹ năng, kiến thức và tinh thần cùng với quá trình tạo ra những biến đổi tiến bộ về cơ cấu nguồn nhân lực.
Giáo viên ngành giáo dục đặc biệt (GV GDĐB) của Đại học Sư phạm Hà Nội và Đại học Sư phạm TP.HCM, được đào tạo và có những hiểu biết về đặc điểm phát triển tâm sinh lý trẻ em nói chung và trẻ có nhu cầu GDĐB nói riêng; nắm vững nguyên tắc, phương pháp, hình thức tổ chức chăm sóc và giáo dục trẻ có nhu cầu đặc biệt theo mục tiêu của GDĐB. GV GDĐB có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng thực hành thành thạo để tổ chức, chăm sóc giáo dục trẻ có nhu cầu đặc biệt bậc học mầm non và phổ thông chuyên biệt hoặc hòa nhập.
Nguồn nhân lực cho giáo dục hòa nhập (GDHN) được hiểu là GV GDĐB hoặc giáo viên tốt nghiệp các ngành sư phạm thông thường và được bồi dưỡng chuyên môn về GDĐB. Khi nói về nguồn nhân lực, ngoài vấn đề chuyên môn, chúng ta còn quan tâm tới việc đủ hay thiếu. Trong trường hợp dạy trẻ khuyết tật (TKT) học hòa nhập, thuật ngữ đủ hay thiếu còn được hiểu là GV đã sẵn sàng chưa, nếu con số chưa sẵn sàng chiếm tỷ lệ cao thì vẫn cho là thiếu. Đó là lý do TKT bị từ chối cơ hội học tập ở rất nhiều trường tại Việt Nam. 

THỰC TRẠNG
Trường đại học Roehampton, United Kingdom (Anh) đã thực hiện dự án phát triển nguồn nhân lực cho giáo dục hòa nhập qua thực hiện chương trình đào tạo có cấp chứng chỉ tại các trường đại học Tlokweng College of Education, Botswana; Nazarene Teacher Training College, Swaziland; Maseno University, Kenya; Kyambogo University, Uganda. Ngoài việc đào tạo giảng viên nguồn, chương trình còn hỗ trợ thiết kế giáo trình giảng dạy phù hợp với bối cảnh địa phương.
Tại Việt Nam, tổ chức Catholic Relife Services (CRS) biên soạn rất công phu tài liệu “Preparing teachers for inclusive education” (tạm dịch “Chuẩn bị nguồn giáo viên cho giáo dục hòa nhập” của đồng tác giả Đinh Thị Nguyệt và Lê Thu Hà, 2010). CRS là tổ chức phi chính phủ Quốc tế tại Việt Nam có trên 10 năm kinh nghiệp hoạt động về giáo dục hòa nhập. CRS tập trung vào đào tạo kiến thức và kỹ năng cho lực lượng giáo viên hiện có của các trường chuyên biệt tham gia dự án; đào tạo nhóm giáo viên nguồn; nâng cao nhận thức, nguyên lý và kỹ thuật về giáo dục hòa nhập cho lãnh đạo trường và nhân viên quản lý nhằm đáp ứng nhu cầu TKT học hòa nhập. Đặc biệt, CRS cũng nói lên vai trò của các bộ trong việc phát triển chương trình học và thay đổi chính sách.

Chính sách về nguồn nhân lực giáo dục hòa nhập
Việt Nam đã ký tham gia Công ước Quốc tế vào ngày 22/10/2007 và đã được Quốc hội phê duyệt vào ngày 28/11/2014. Song song đó, Luật người khuyết tật số 51/2010/QH12 do Quốc hội thông qua ngày 17/06/2010 kèm theo Nghị định số 28/2012/NĐ-CP “Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người Khuyết Tật” do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng Ký ngày 10/04/2012, Chương IV, Điều 28, Mục 1 ghi rõ “Nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tham gia giáo dục NKT, nhân viên hỗ trợ giáo dục NKT được đào tạo, bồi dưỡng cập nhật về chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng đáp ứng nhu cầu giáo dục NKT”. Chương IV, Điều 31, Mục 1 có ghi rõ “Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập (TT HTPT GDHN) là cơ sở cung cấp nội dung chương trình, thiết bị, tài liệu dạy và học, các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ giáo dục, tổ chức giáo dục phù hợp với đặc điểm và hoàn cảnh của NKT”. Nhà nước cũng ban hành Thông tư liên tịch số 58/2012/TTLT-BGDĐT-BLĐTBXH Quy định điều kiện và thủ tục thành lập TT HTPT GDHN, và như vậy, góp phần phát triển nguồn nhân lực dạy TKT bằng hình thức đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn. TT HTPT GDHN TP.HCM luôn có các chương trình bồi dưỡng cho GV các trường chuyên biệt vào các dịp hè. Tuy nhiên, GV dạy hòa nhập thì chưa có nhiều cơ hội để được nâng cao kỹ năng dạy TKT.

Nguồn nhân lực cho giáo dục hòa nhập
GDHN được Bộ Giáo dục & Đào tạo triển khai từ năm 2001 và các chương trình đào tạo GV GDĐB hệ cử nhân, cao đẳng có từ đầu năm 2000. Cho tới thời điểm hiện nay:   
Chương trình Thạc sĩ GDĐB chỉ mới được đào tạo ở ĐHSP Hà Nội;
Chương trình Cử nhân GDĐB của Trường ĐHSP TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Quy Nhơn hoặc Trường Cao Đẳng Sư Phạm Trung Ương TP.HCM, Hà Nội, Nha Trang … Cho tới nay, đã có khoảng 3.000 cử nhân được đào tạo. Các tổ chức này cũng thường hay hợp tác với các trường đại học nước ngoài mở các khóa bồi dưỡng tập huấn ngắn hạn cho khoảng vài chục ngàn giáo viên (những giáo viên hiện đang trực tiếp làm việc ở các nhà trường) về GDHN (PGS. TS Nguyễn Xuân Hải – Khoa GDĐB, ĐHSP Hà Nội);
Chương trình bồi dưỡng kiến thức chuyên sâu cho GV GDĐB do TT HTPT GDHN dưới sự chỉ đạo của Sở cũng thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn hè cho GV trường chuyên biệt. Chương trình do các tổ chức Phi chính phủ Quốc tế thì có nhiều như Quỹ toàn cầu cho trẻ khiếm thính (Global Foundation for Children with Hearing Loss) có dự án 5 năm bồi dưỡng kỹ năng dạy can thiệp sớm cho GV dạy trẻ khiếm thính các trường chuyên biệt ở phía Nam; Trường Đại học St. John’s kết hợp với Khoa Tâm lý Đại học Sư Phạm Hà Nội và TP.HCM mở khóa bồi dưỡng về Trắc nghiệm Baley cho GV GDĐB dạy trẻ tự kỷ, chuyên viên tâm lý, nhân viên công tác xã hội có nhu cầu; Trường Hogeschool Utrecht, Hà Lan mở lớp đào tạo kỹ năng giao tiếp với trẻ khiếm thính – khiếm thị (Deafblind) cho GV các trường khiếm thị tại TP.HCM; Trường ĐH Y Khoa Phạm Ngọc Thạch kết hợp với Trinh Foundation mở khóa đào tạo âm ngữ trị liệu (Speech Theraphy) cho các bác sỹ, điều dưỡng cả nước để dạy trẻ  có vấn đề về ngôn ngữ.
Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ Sư phạm GDĐB của ĐHSP Hà Nội;
Chương trình dự án nâng cao nhận thức và chuẩn bị cho GDHN của Quỹ Cầu vồng Châu Á – đào tạo cho chuyên viên, lãnh đạo, giáo viên cốt cán về GDHN cho TKT tại Đồng Nai và Lâm Đồng.
Ngoài các chương trình chính quy, dù dài hạn hay ngắn hạn, còn có những chương trình đào tạo dưới hình thức hỗ trợ khách hàng. Ví dụ về lĩnh vực khiếm tính, các công ty bán máy trợ thính như Phonak, Quang Đức, Cát Tường, Stela, GN ReSound … mời chuyên gia nước ngoài tập huấn về can thiệp sớm, thính học cho GV các trường chuyên biệt và phụ huynh, không thấy hoặc rất hiếm chương trình có GV GDHN tham gia. Công ty Med-El, Cochlear chuyên cung cấp ốc tai điện thử thì chỉ tổ chức cho GV các trường chuyên biệt, không có phụ huynh.
Theo PGS. TS Nguyễn Xuân Hải, tính đến năm 2015, Việt Nam cần có khoảng hơn một triệu GV GDĐB được đào tạo, bồi dưỡng để đáp ứng nhu cầu học hòa nhập của TKT tật chỉ tính riêng cho ba cấp học là mầm non, tiểu học và THCS. Về chất lượng nguồn nhân lực được đào tạo có đáp ứng yêu cầu giảng dạy, phục hồi được chức năng cho trẻ tham gia chương trình can thiệp sớm vẫn còn đang bỏ ngỏ. Lý do vì trẻ có nhiều hơn một tật, khuyết tật nặng và thiếu dụng cụ/ thiết bị hỗ trợ để được can thiệp sớm hay phục hồi chức năng tốt, gia đình thiếu quan tâm hoặc quan tâm không đúng cách, không phối hợp với GV để trẻ có điều kiện phát triển tốt nhất. 

Vài thực trạng khảo sát về nguồn nhân lực
Việc đánh giá không đầy đủ kéo theo sự quan tâm không thỏa đáng đến đào tạo đội ngũ GV về GDHN. Giáo dục hòa nhập hiếm khi được đưa vào các chương trình sư phạm, và hầu hết thông tin về GDHN chỉ được truyền bá trong khuôn khổ các hội thảo nhỏ và các khóa tập huấn ngắn hạn. Thiếu kiến thức về GDHN cũng có nghĩa rằng các trường học ngại ngần không muốn nhận TKT. Thực trạng trên đòi hỏi cấp thiết phải xây dựng năng lực nhằm thực hiện GDHN ở mọi cấp, mọi địa phương.
Một khảo sát của Trung Tâm Nghiên Cứu Giáo Dục Người Khiếm Thính (CED) năm 2012 về “Khó khăn và nhu cầu của học sinh khiếm thính học hòa nhập” đã lấy ý kiến 82 giáo viên dạy trẻ khiếm thính một số trường hòa nhập nội và ngoại thành TP.HCM qua bảng hỏi. Kết quả thu được:
24.2 phần trăm giáo viên gặp khó khăn trong giao tiếp với học sinh khiếm thính;
21.2 phần trăm giáo viên không hiểu tâm lý học sinh khiếm thính;
24.2 phần trăm giáo viên thiếu kinh nghiệm dạy trẻ;
6.1phần trăm thiếu sự cộng tác của gia đình.
Kết quả khảo sát cho thấy, giáo viên trường hòa nhập vẫn đang lúng túng với trẻ, việc phối hợp với gia đình vẫn có hạn chế và cần được đào tạo kỹ năng.
Một khảo sát ngắn khác của CED tiến hành phỏng vấn bảng hỏi 150 lãnh đạo, phụ huynh, giáo viên – sinh viên Sư phạm các chuyên ngành bao gồm GDĐB ở TP.HCM, Hà Nội, Nha Trang, Tiền Giang, Đồng Tháp, Gia Lai … về nguồn nhân lực GDHN TKT ở Việt Nam và có số liệu như sau:

Bảng 1: Kết quả trả lời khảo sát về nguồn nhân lực GDHN của Lãnh đạo trường hòa nhập (15 mẫu): 
 
Câu hỏi Không Khác
Số Phần trăm Số Phần trăm Số Phần trăm
1. Có sẵn sàng nhận TKT học hòa nhập 10 66.67 1 6.66 4* 26.67
2. Có sẵn nguồn lực dạy TKT học hòa nhập 10 66.67 15 33.33 0  
3. Mong muốn nâng cao kỹ năng GDĐB cho giáo viên hoặc tuyển dụng GV GDĐB 15 100 0   0  
4. Giáo viên GDHN phải tốt nghiệp GDĐB (Có/Không, bồi dưỡng giáo viên đang công tác) 15 100        
5. Phương án “Sinh viên khoa sư phạm học một số tín chỉ về giáo dục TKT và được đào tạo nghiệp vụ chuyên sâu để dạy TKT” có khả thi không? 15 100        
6. Nơi nào cung cấp các khóa đào tạo nghiệp vụ chuyên sâu (Biết/Không biết) 3 20 12 80    
* Tùy theo mức độ khuyết tật của trẻ; áp lực chỉ tiêu, chưa có kinh nghiệm.

Bảng 2: Kết quả trả lời khảo sát về nguồn nhân lực GDHN của Giáo viên, sinh viên, phụ huynh (135 mẫu)
Câu hỏi
 
Giáo viên
GDHN
50
Giáo viên
GDĐB
15
Phụ huynh
45
Sinh viên
GDĐB
10
Sinh viên Sư phạm
15
Phần trăm Phần trăm Phần trăm Phần trăm Phần trăm
1. Có sẵn sàng dạy TKT học hòa nhập? 16 32 15 100     10 100 13 86.67
2. Mong muốn được bồi dưỡng kỹ năng dạy TKT? 50 100 15 100     10 100 15 100
3. Giáo viên GDHN: Phải tốt nghiệp GDĐB/Tốt nghiệp sư phạm + bồi dưỡng kỹ năng 29 58 12 80 25 55.56 10 100 8 53.33
4. Phương án “Sinh viên khoa sư phạm học một số tín chỉ về giáo dục TKT và được đào tạo nghiệp vụ chuyên sâu để dạy TKT” có khả thi không? 37 74 11 73.33 43 95.56 5 50 13 86.67
5. Nơi nào cung cấp các khóa đào tạo nghiệp vụ chuyên sâu (Biết/Không biết) 35 70 10 66.67 22 48.89 10 100 7 46.67
 
 Diễn giải kết quả khảo sát (Lý do chọn “Không hoặc không biết):

Câu 1: Không có kỹ năng; không đủ kiên nhẫn; khó dạy; không biết dạy như thế nào; căng thẳng khi trẻ có những biểu hiện như la hét, tự đánh bản thân; sĩ số lớp quá cao; cần có nhân viên hỗ trợ.
Câu 4: Phải là chương trình đào tạo chuyên sâu; nếu chỉ đào tạo vài tín chỉ sẽ không đủ kiến thức và kỹ năng cần thiết.
Một câu hỏi chung cho 150 mẫu trên “”làm thế nào phát triển nguồn nhân lực GDHN” có các câu trả lời như sau:
-  Đối với Sở, Phòng Giáo dục: Phải quan tâm, đôn đốc, hỗ trợ GDHN qua chỉ đạo tổ chức các chương trình tập huấn GDĐB, GDHN; Thu hút nguồn nhân lực bằng các chính sách đãi ngộ, lương bổng phù hợp; Mở thêm nhiều diễn đàn, hợp tác với ngành y, các trường hòa nhập để phát triển nguồn nhân lực liên ngành.
-  Đối với giáo viên các ngành bao gồm GDĐB: Đào tạo và bồi dưỡng chuyên sâu về GDĐB cho giáo viên nói chung; Xây dựng và phát huy cái tâm, cái đức, sự năng động và sáng tạo trong trong dạy và chăm sóc TKT; Tổ chức phối hợp, chia sẻ kinh nghiệm giữa thầy cô có nhiều kinh nghiệm dạy TKT với nhân lực mới; Động viên ghi nhận kịp thời những đóng góp ý kiến của GV; Tạo điều kiện phát huy khả năng, học hỏi kinh nghiệm qua các phong trào thi đua; Có môi trường làm việc thuận lợi, cơ hội học tập và phát triển nghề nghiệp.
Đối với trường đại học, cao đẳng sư phạm: có chương trình học về dạy TKT cho sinh viên sư phạm; đẩy mạnh chương trình đào tạo nghiệp vụ sư phạm GDĐB.
Đối với cộng đồng: Truyền thông cho cộng đồng biết về năng lực của trẻ khuyết tật, lôi cuốn sự tham gia về tinh thần và vật chất của cộng đồng; Kêu gọi sự tham gia của phụ huynh, NKT có trình độ kinh nghiệm.
NGND. TS. Đặng Huỳnh Mai thì đề nghị nên có nhiều phương án đa dạng để phát triển nguồn nhân lực cho GDHN, không cân nhắc với một phương án nào.
Cá biệt, một giáo viên tốt nghiệp GDĐB, từng là hiệu trường trường mầm non tư tục dạy can thiệp sớm cho trẻ khiếm thính, tự kỷ, chậm phát triển cho rằng: các sinh viên được đào tạo GDĐB tại ĐHSP dạy TKT tại trung tâm/ trường chuyên biệt hoặc hỗ trợ TKT học hòa nhập là phù hợp nhất. Theo Bà “nguồn nhân lực GDHN là rất thiếu; vì hiện nay ngay cả giáo viên tại các trường chuyên biệt mà còn thiếu huống gì giáo viên ở các trường hòa nhập. Hầu hết giáo viên dạy trẻ ở các lớp hòa nhập hiện nay là các giáo viên phổ thông bình thường chưa có nhiều kiến thức về hỗ trợ TKT trong lớp học. Do đó, GDHN hiện tại chưa thực sự đáp ứng nhu cầu về cả số lượng và chất lượng cho TKT.” TS. Đỗ Thúy Lan – Giám đốc Trung Tâm Sao Mai có nhân định khác, lực lượng GV GDĐB dạy TKT học hòa nhập không thiếu, chẳng qua Sở hay Phòng giáo dục chưa đẩy mạnh điều phối, chỉ định nơi công tác cho GV GDĐB khi mới ra trường.

GIẢI PHÁP
Từ tham khảo việc phát triển nguồn nhân lực, thực trạng về NNL cho GDHN tại Việt Nam, bài viết đề xuất vài giải pháp sau:
Một là Cần triển khai nhiều chương trình hỗ trợ GDHN qua nâng cao nhận thức và phát triển kỹ năng về dạy TKT tật cho lãnh đạo, chuyên viên, GV cốt cán theo hệ thống hàng ngang gồm các thành phố và các tỉnh thành theo mô hình như Quỹ Cầu Vồng Châu Á hoặc chọn những trung tâm nguồn nào hoạt động mạnh về phát triển GDHN tập huấn hay chia sẻ kinh nghiệm theo từng dạng tật. Với giải pháp này, vai trò của Bộ, Sở, Phòng Giáo Dục các cần phát huy tối đa và theo lộ trình phối hợp giáo dục giữa gia đình, nhà trường và cộng đồng xã hội.
Hai là Cần đẩy mạnh số lượng nguồn nhân lực GDHN qua: Tăng chỉ tiêu tuyển sinh và tăng cường năng lực tự chủ trong tuyển sinh cho các tổ chức giáo dục có chuyên môn về GDĐB; Tăng thêm chức năng tuyển sinh ngành GDĐB cho các trường đại học có năng lực phù hợp và có nguyện vọng; Khuyến khích và tạo điều kiện cho các cơ sở ngoài công lập mở trường/ngành GDĐB hoặc nghiệp vụ GDĐB; Các trường cần có chiến lược đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực GDHN; Tăng cường chế độ chính sách cho GV dạy TKT học hòa nhập.
Ba là Cần đẩy mạnh chất lượng nguồn nhân lực GDHN: Cập nhật thông tin tiến bộ khoa học kỹ thuật, dịch vụ, công cụ hỗ trợ NKT trong chương trình đào tạo nguồn nhân lực GDĐB; Phát huy vai trò của các TT HTPT GDHN công lập và ngoài công lập, cũng như tăng cường các chương trình tập huấn về khuyết tật, GDHN cho các trường; Khuyến khích các nghiên cứu khoa học ứng dụng cho giáo dục TKT.
Bốn là Cần đẩy mạnh vai trò của các nhóm: chuyên viên giám sát thực thi Công ước của Liên Hiệp Quốc về Quyền của Người khuyết tật; nhóm hỗ trợ, nhóm giáo viên, phụ huynh cốt cán để tăng cường sức mạnh cho nguồn lực GDHN, tăng cường chất lượng cho việc dạy trẻ.
Năm là Cần đẩy mạnh vai trò của báo chí: truyền thông tính tích cực, nhân văn của GDHN, một xã hội hòa nhập cho tất cả là giải pháp tối ưu cho bài toán phúc lợi xã hội cho người khuyết tật được dự tính tăng nhanh theo số trẻ khuyết tật hàng năm tại Việt Nam.

KẾT LUẬN VẤN ĐỀ
Việt Nam đã có trên 15 năm kinh nghiệm triển khai giáo dục hòa nhập điều này có nghĩa là đất nước chúng ta có một lực lượng giáo viên GDHN có kinh nghiệm, tâm huyết. Song song đó, Đảng và Nhà nước hết lòng quan tâm chỉ đạo giáo dục hòa nhập qua các chính sách được ban hành để bảo đảm TKT có được cơ hội học tập công bằng như các trẻ em cũng lứa tuổi. Phụ huynh cũng tự trang bị cho mình thông tin, kiến thức và phối hợp tốt hơn với giáo viên khi cho trẻ học hòa nhập. Nếu lựa chọn được chiến lược phát triển NNL GDHN phù hợp theo năng lực trường, địa phương, điều kiện kinh tế và biết thực hiện thắng lợi chiến lược này, bài toán phát triển NNL cho GDHN không khó để tìm lời giải./.

ABSTRACT
The paper focuses on some following contents: (i) The reality of the policies relating to human resource development for inclusive education; (ii) The situation of human resources trained for inclusive education in Vietnam; (iii) Reference data and several surveys relating to human resources for inclusive education by Center for Research and Education of the Deaf and Hard of Hearing (CED). The article also suggested several measures for the development of human resources for inclusive education in both quantity and quality.
Key words:  Human resources, inclusive education, children with hearing loss, development, special education.


TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Công ước của Liên Hiệp Quốc về Quyền của Người Khuyết Tật
[2] PGS. TS Nguyễn Xuân Hải, Phát triển nguồn nhân lực giáo dục đặc biệt ở Việt Nam theo tiếp cận năng lực nghề nghiệp, 2015
[3] Lê Minh Hằng, Giáo dục hòa nhập – Cánh cửa rộng mở cho trẻ em khuyết tật tại Việt Nam,trường Swarthmore College, 2013
[4] Luật người khuyết tật số 51/2010/QH12 do Quốc hội thông qua ngày 17/06/2010
[5] Nghị định số 28/2012/NĐ-CP “Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người Khuyết Tật” do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng Ký ngày 10/04/2012
[6] Quyết định số 23/2006/QĐ-BGDĐT, Quy định về Giáo dục hòa nhập dành cho người tàn tật, khuyết tật ngày 22/05/2006
[7] GS. TS. Lê Văn Tạc, Bảo đảm quyền tiếp cận giáo dục cho trẻ khuyết tật, Viện Chiến lược và Chương trình Giáo dục, 2006
[8] PGS. TS. Mạc Vân Trang, Quản lý nhân sự trong giáo dục, Viện Chiến lược và Chương trình Giáo dục, Hà Nội, 2007
 
Tác giả:
Dương Phương Hạnh (Cao học Quản lý Giáo dục)
Sáng lập/Giám đốc 
Trung Tâm Nghiên Cứu Giáo Dục Người Khiếm Thính (CED)
Tổng thư ký Liên Đoàn Nghe Kém Quốc Tế (IFHOH)
Chủ tịch Liên Đoàn Nghe Kém Châu Á – Thái Bình Dương (APFHD)
Email: dphanh@trungtamkhiemthinh.org hoặc hanhdpvl83@gmail.com
Điện thoại: 0909 114 006 (Nhắn tin)
 

Nguồn tin: Trung Tâm Nghiên Cứu Giáo Dục Người Khiếm Thính (CED)

Bài viết liên quan

IFHOH, I Love You !
Người khuyết tật cần những kỹ năng gì?

Bài đọc nhiều nhất

Thông báo

Video Clip