Người khuyết tật cần những kỹ năng gì?

Mỗi người chúng ta ai cũng cần phải rèn luyện cho mình kỹ năng để sống, sống tốt và để làm việc hiệu quả. Có thể, có những kỹ năng chúng ta không cần đến, ví dụ như tôi là một người công nhân tôi không cần phải học kỹ năng quản lý con người, hay nếu tôi là nhà giáo tôi sẽ không cố tìm hiểu về kỹ năng bán hàng hiệu quả v.v…
 
Thế còn người khuyết tật (NKT) kỹ năng nào là quan trọng nhất đối với họ, bắt buộc có và cần được tôi luyện, để họ có thể vượt qua số phận, tồn tại, sống và sống có ích? Theo tôi, ngoài những kỹ năng cần phải rèn luyện như những người không khuyết tật khác, NKT nên cố gắng tập trung vào những kỹ năng sau:
 
Kỹ năng tự học
 
Không phải là người khuyết tật nào cũng quá giỏi nên tự học. Họ tự học ở đây, đơn giản vì không thể đi lại nhiều được hay không nghe được lời giáo viên giảng. Tự học vì phải đối mặt với những rào cản về khuyết tật: rào cản vô hình/phi vật thể (ánh mắt kỳ thị), rào cản về môi trường (không đi lên xuống cầu thang, bậc tam cấp cao quá cao …) hoặc không thể nghe lời giáo viên giảng (lớp học không tiếp cận) … Tự học ở đây là phải biết kiên nhẫn ngồi hàng giờ chỉ để đọc hay viết lại bài giảng của giáo viên trên lớp qua tập vở mượn của bạn bè hay đọc sách thêm, để hiểu bài và theo kịp chúng bạn. Và sau đó, nếu có năng lực, mới tự học để làm giàu thêm tri thức. Tự học để thoát khỏi mặc cảm về khuyết tật và chỉ có học vấn mới giúp chúng ta vượt lên số phận của mình.
 
Phải có quyết tâm phấn đấu vượt qua khó khăn
 
Nếu chúng ta chẳng may được sinh ra trong một hình hài không lành lặn, phải chịu khiếm khuyết một giác quan nào đó, chúng ta phải làm gì? Ngồi đó than thở hay là tìm cách sống chung hòa bình với nó? Dù chúng ta có đau khổ bi luỵ đến đâu sự thật vẫn là vậy. Thay vì thế, tại sao không hành động. Hãy chấp nhận khuyết tật nhưng đừng chấp nhận số phận. Đừng bao giờ cho phép bản thân biện hộ về điều mình không thể làm được bằng câu nói "Hãy bỏ qua điều đó cho tôi vì tôi khuyết tật". Tôi lấy ví dụ, tôi là người khiếm thính, tôi không nghe rõ được, tôi không mong mình sẽ là một người nghe và nói tiếng Anh lưu loát, nhưng tôi phải biết đọc và viết tốt như những người không khuyết tật, vì hai kỹ năng này đâu có liên quan chi tới việc nghe. Và tại sao tôi cần phải biết đọc viết tiếng Anh, tại vì tôi muốn mình tiến bộ.
 
Khi mỗi tình huống xảy ra với chúng ta, nếu vì khuyết tật, chúng ta không thể nào làm được, hãy tự tìm ra biện pháp giải quyết, đừng bao giờ đầu hàng sự việc một cách quá dễ dàng. Chúng ta không thể giải quyết 100% công việc thì cũng có thể làm 50%. Chúng ta không giải quyết trực tiếp thì hãy sử dụng phương pháp gián tiếp. Bằng cách này hay cách khác, chúng ta sẽ làm được công việc của mình, chẳng những chúng ta thấy vui sướng, hạnh phúc vì thành quả của bản thân mà nó còn giúp chúng ta lớn lên, vượt qua mọi thách thức phía trước một cách lạc quan. Hoàn cảnh không tạo nên con người – hoàn cảnh bộc lộ con người.
  
Kỹ năng sống độc lập
 
Đây là điều tôi tâm đắc nhất và cũng chỉ mới hiểu được ý nghĩa sâu xa của nó trong thời gian tôi làm việc tại Chương trình Khuyết tật & Phát triển (DRD). Sống độc lập không có nghĩa là ta phải sống một mình, không cần người thân, không cần sự trợ giúp. Sống độc lập là dám lên tiếng nhờ ai đó giúp đỡ những công việc không thể làm được vì khuyết tật. Sống độc lập đơn giản là biết cách tự bảo vệ mình, tự bộc lộ mình để người khác biết mình cần gì mà giúp.
 
Kỹ năng thì có nhiều, tùy theo hoàn cảnh mà người khuyết tật cần phát huy những kỹ năng nào cần thiết để sống và tự khẳng định mình.
 
Dương Phương Hạnh
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Người Khiếm thính (CED)
Tổng thư ký Liên đoàn Khiếm thính Quốc tế (IFHOH)
Chủ tịch Liên đoàn Khiếm thính Châu Á Thái Bình Dương (APFHD)

Bài viết liên quan

IFHOH, I Love You !

Bài đọc nhiều nhất

Thông báo

Video Clip