Thông điệp Giám đốc

Tôi bị khiếm thính lúc 6 tuổi và trong một thời gian dài, tôi cứ nghĩ, chỉ mình tôi điếc bởi vì tôi sống, học tập và làm việc trong thế giới người nghe. Tốt nghiệp trường Bách Khoa, ngành hóa, Tôi đă từng đi làm như kỹ sư phòng hóa nghiệm, nhân viên biên dịch cho công ty tư vấn du học … nhưng chưa bao giờ tôi cảm thấy tự tin vào tương lai của mình. Tôi biết rõ, với khuyết tật của bản thân, tôi chỉ suốt đời làm một công việc nào đó và không thể thăng tiến được. Trong cuộc sống cũng như trong công việc, nếu cứ ở mãi một chỗ là chấp nhận sự đào thải trước mắt. Với niềm tin sâu xa là TÔI CÓ THỂ LÀM ĐƯỢC VIỆC … và đó là việc gì, tôi đi tìm cho mình một công việc phù hợp từ khi tốt nghiệp đại học năm 25 tuổi (1993) cho tới năm 38 tuổi (2006), tôi mới tìm thấy công việc có ý nghĩa với mình là LÀM VIỆC VỚI NGƯỜI KHIẾM THÍNH.

 

Trong khoảng thời gian sáu năm thất nghiệp, tôi luôn tự học tiếng Anh (Vì không nghe, tôi không thể đi học thêm được) cho dù đôi lúc rất buồn vì không biết mình học tiếng Anh để làm gì.Một cuộc sống nhàm chán làm tôi đôi khi thấy hoang mang, ngỡ mình sẽ buông xuôi phó mặc cho số phận thì bất ngờ trong một lần lang thang trên mạng, tôi tìm thấy “Tia sáng cuối đường hầm”. Đó là vào năm 2006, tôi tham gia vào dự án “Chuyến bay vòng quanh thế giới vì người khiếm thính” do ông Johan Hammarstrom - một người khiếm thính Thuỵ Điển. Sau chuyến đi ấy, cuộc đời tôi như mở ra một trang mới, tôi nhìn thấy được con đường tương lai sẽ phải đi đó là: “Dành hết tâm huyết cho ước mơ lớn nhất của đời mình là làm việc cho cộng đồng người khiếm thính”.
 
 
Hơn năm năm làm việc về lĩnh vực khiếm thính tôi nhìn ra sự thiệt thòi của cộng đồng người khiếm thính Việt Nam: không có nhiều cơ hội tiếp cận giáo dục và việc làm, gặp khó khăn trong việc tiếp cận thông tin, thiếu thông dịch ngôn ngữ ký hiệu, ít trẻ khiếm thính có điều kiện tiếp cận máy trợ thính ... những điều này cứ thôi thúc tôi và, “Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Người Khiếm thính (CED)” – Doanh nghiệp Xã hội đầu tiên và duy nhất hiện thời tại Việt Nam do người khiếm thính thành lập và phục vụ vì người khiếm thính – ra đời.
 

Cùng với CED, tôi mong muốn sẽ đồng hành cùng tất cả các trẻ, các anh chị em khiếm thính trên bước đường hòa nhập xã hội và tạo một hình ảnh tích cực về cộng đồng người khiếm thính Việt Nam “ĐƯỢC PHẤT TRIỂN HẾT MỨC TIỀM NĂNG SẴN CÓ, HÒA NHẬP XÃ HỘI THẬT SỰ VÀ TRỌN VẸN” bởi vì “Mọi việc đều có thể”.


Bà Dương Phương Hạnh, ThS Quản lý Giáo dục
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Người Khiếm thính (CED)
Tổng thư ký Liên đoàn Khiếm thính Quốc tế (IFHOH)
Chủ tịch Liên đoàn Khiếm thính Châu Á Thái Bình Dương (APFHD)


Email: dphanh@trungtamkhiemthinh.org hoặc hanhdp2008@yahoo.com
Di động: 0909 114 006 (Nhắn tin)