Tôi thích nói chuyện!

Tôi có đọc được bài báo viết về Ông Ahiya Kamara trong tạp chí điện tử xuất bản vào mùa xuân năm 2009 của Liên đoàn Khiếm thính Quốc tế (IFHOH) và cũng có dịp trực tiếp nói chuyện với Ông tại hội nghị Quốc tế do IFHOH tổ chức vào tháng 07/2008 ở Vancouver, Canada. Ahiya là người Israel và là Phó Chủ tịch của IFHOH. Ấn tượng về một người đàn ông thân thiện và tử tế, nói tiếng Anh cực tốt quay về với tôi và tôi bổng dưng ao ước rằng, tất cả những người Điếc trên Thế giới, đặc biệt là ở Việt Nam, có cơ hội tiếp cận được các dụng cụ kỹ thuật hỗ trợ việc, có được cuộc sống tốt đẹp và thành công như ông. Đặc biệt, tất cả đều có thể nói chuyện được.

 
Khái niệm về giao tiếp bằng lời nói chính thức có trong cộng đồng khiếm thính Việt Nam từ những năm 1989 – 1990 theo phương pháp giáo dục của Ủy Ban Hà Lan II. Các giáo viên tại một số trường chuyện biệt đã được gửi đi học ở Hà Lan, và sau khi về nước, họ đã áp dụng phương pháp giáo dục trẻ Điếc bằng lời nói. Họ đã cố gắng giúp trẻ có thể nói chuyện được.
 
Nếu xét trên tinh thần văn hóa Điếc, sử dụng ngôn ngữ ký hiệu (NNKH) là quyền của người Điếc, và người Điếc có quyền chọn lựa cách thức giao tiếp nào họ thích. Ở vào thời điểm này, NNKH chưa được công nhận, hầu như người nghe không ai biết NNKH, nếu người Điếc chỉ biết giao tiếp bằng NNKH thì họ sẽ nói chuyện với ai ngoài cộng đồng khiếm thính? Rõ ràng là các giáo viên muốn tốt cho học trò mình, muốn cho các em hòa nhập xã hội tốt.
 
Dần dần, mọi người cũng nhận ra rằng sử dụng NNKH thì tốt cho người Điếc. Một vài trường chuyên biệt đã thay đổi phương pháp giáo dục người điếc đó là sử dụng NNKH kết hợp với lời nói, thay vì chỉ nói chuyện như trước đây. Dĩ nhiên, nếu một trẻ Điếc sâu không thể tham gia chương trình can thiệp sớm, không thể sử dụng máy trợ thính cũng như cấy ốc tai, trẻ này chỉ có thể sử dụng NNKH. Ở Việt Nam hiện nay, có một dự án giáo dục người Điếc do một chuyên gia người Mỹ thực hiện. Các giáo viên thuộc dự án của ông giảng dạy bằng NNKH hoặc qua thông dịch viên mà không dùng lời nói.
 
Tôi đang làm việc như làm một nhân viên xã hội với người khiếm thính và gia đình họ. Nhiều bậc cha mẹ đã tới gặp tôi và hỏi, điều gì tốt hơn cho con của họ: ra dấu hay nói chuyện? Tôi kể cho họ những trường hợp mà tôi biết để họ có sự lựa chọn tốt nhất cho hoàn cảnh và khả năng nghe của con họ. Một bà mẹ dẫn con trai 28 tuổi bị Điếc bẩm sinh, chưa từng được đi học, đến gặp tôi để xin việc làm và học chữ. Em trai này đã tham gia vào Câu Lạc Bộ Khiếm Thính Tp.HCM học chữ, học NNKH và học cách đọc tín hiệu môi. Một gia đình ở An Giang có con Điếc bẩm sinh được can thiệp sớm, em có thể nói chuyện dù không trôi chảy lắm. Em đeo máy trợ thính tốt và học hòa nhập từ lớp một. Bây giờ, em chuẩn bị lên cấp hai, em sẽ có nhiều giáo viên bộ môn chứ không phải một cô giáo như ở cấp một, vậy em có thể học được không? Em học tiếng Anh được không? Em có cần học NNKH không? v.v… và v.v… Hỏi ra thì biết thính lực của em còn tốt hơn cả tôi, chỉ tiếc một điều là em bị mất thính lực bẩm sinh. Bây giờ, em có thể nghe với máy trợ thính và nói chuyện, vậy có gì phải lo lắng? Học NNKH thì tốt thôi, nhưng em sống ở tỉnh thành xa thành phố lớn, nơi mà người khiếm thính không nhiều và chỉ sử dụng cử chỉ điệu bộ kết hợp với nói qua khẩu hình, vậy thì em học để sử dụng NNKH với ai ở quê em? Cũng cần nói thêm rằng có rất ít các tổ chức có dạy NNKH một cách chính thức và chỉ tập trung vào các thành phố lớn là Hà Nội, Hải Phòng và Tp.HCM.
 
Có một trường hợp khác, một bé gái sáu tuổi ở quê gần nhà tôi, Đó là một bé gái xinh đẹp và thật thông minh. Tai trái cùa bé điếc sâu, tai kia điếc 80 dB. Mẹ của bé khóc nói tôi rằng không biết làm gì để giúp cho con gái mình. Người mẹ muốn học dấu để dạy cho con mình và cũng tin rằng bé sẽ nói chuyện được, và kêu con nói vài từ cho tôi nghe. Bé gái này hiện đang học hòa nhập và giáo viên cũng rất quan tâm đến bé nhưng bằng tình thương và lòng trắc ẩn nhiều hơn là do tính chuyên nghiệp. Tôi đã nói với người mẹ, tôi điếc như thế nào – tai trái điếc sâu, tai phải điếc 90dB. Khi vừa mới hồi phục sau cơn bệnh nặng và cũng chính thức trở thành người khiếm thính, tôi không hề nghe được gì cả và cũng không nói chuyện được. Tôi đã biết yêu cầu các thành viên trong gia đình lập lại những lời nói mà tôi chưa nghe được. Tôi cũng đọc sách, thơ, truyện thật lớn tiếng và anh chị em trong nhà giúp tôi sửa những từ tôi đọc sai nói sai giọng. Có thể, bé không thể nói chuyện được như tôi do quá trình mất thính lực quá sớm, nhưng bé vẫn có nhiều hy vọng – tuổi trẻ và sự nỗ lực – và dĩ nhiên bé rất cần sự hỗ trợ của mẹ.
 
Tôi bắt đầu làm việc trong lĩnh vực khiếm thính từ năm 2007, và lúc ấy, chỉ có một giáo viên dạy NNKH tại Tp.HCM. Cô dạy NNKH cho các tín đồ công giáo để họ giúp người khiếm thính nhưng chỉ dạy vào mùa hè và chỉ mở duy nhất mỗi một lớp hàng năm. Với suy nghĩ rằng nếu người nghe biết NNKH thì họ sẽ giúp cho người khiếm thính dễ dàng hơn, tôi đã mở các lớp học NNKH và mời thông dịch viên NNKH của Câu Lạc Bộ Khiếm thính Tp.HCM phụ trách lớp. Có thể lướt qua các con số học viên học NNKH cho năm 2007, 2008 và 2009 là 106, 120 và 239. Điều đáng tiếc là số lượng học viên đang ký thường gấp đôi những con số này, những do học viên không sắp xếp được thời gian, thiếu giáo viên dạy, không có phòng học và nhiều yếu tố khách quan khác. Câu Lạc Bộ Khiếm thính Tp.HCM ở thời điểm hoạt động mạnh nhất có khỏang 300 thành viên. Điều này cho thấy sẽ không còn là vấn đề nữa khi một người khiếm thính cần tìm sự hỗ trợ trong xã hội. Đây là điều đáng vui mừng cho gia đình và bản thân người khiếm thính cũng như cho xã hội.
 
Mọi người trong xã hội đang cố gắng giúp người khiếm thính theo cách này hay cách khác mà họ cho là tốt cho cộng đồng người khiếm thính. Trong một vài trường hợp, chỉ có người khiếm thính mới biết là sự hỗ trợ có tốt cho họ hay không. Tôi may mắn được là người khiếm thính ý thức được những điều thuận lợi cũng như bất lợi cho bản thân. Tôi đang học NNKH từ các thành viên Điếc của Câu Lạc Bộ Khiếm thính Tp.HCM và của nhiều người điếc khác mà tôi có dịp tiếp xúc. Nhưng nói gì thì nói, làm gì thì làm, tôi vẫn thích nói chuyện.
 
Dương Phương Hạnh
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Người Khiếm thính (CED)
Tổng thư ký Liên đoàn Khiếm thính Quốc tế (IFHOH)
Chủ tịch Liên đoàn Khiếm thính Châu Á Thái Bình Dương (APFHD)

Bài viết liên quan

IFHOH, I Love You !
Người khuyết tật cần những kỹ năng gì?

Bài đọc nhiều nhất

Thông báo

Video Clip