Phát triển hòa nhập dựa vào cộng đồng

Phát triển hòa nhập dựa vào cộng đồng (Community-Based Inclusive Development – CBID) là chương trình nâng cao năng lực cho 18 lãnh đạo nghe kém (Hard of Hearing/Deafened) thuộc các nước ASEAN. Chương trình được tổ chức qua sự hợp tác giữa Trung Tâm Phát Triển Khuyết Tật Châu Á – Thái Bình Dương (Asia-Pacific Development Center on Disability – APCD), Cơ quan Hợp tác Quốc tế của chính phủ Nhật (The Government of Japan, Japan International Cooperation Agency – JICA) và Cơ quan Hợp tác Phát triển Quốc tế thuộc Bộ Ngoại Giao Thái Lan (ThaiLand International Development Cooperation Agency, Ministry of Foreign Affairs of ThaiLand – TICA) từ 24/08/2014 – 06/09/2014, tại Băng Cốc, Thái Lan.
         
Từ năm 2013, khung chính sách mới thuộc khu vực “Chiếc lược Incheon, Thực hiện Quyền Người Khuyết Tật 2013 – 2022” là cơ sở cho việc phát triển hòa nhập khuyết tật trong khu vực. Yếu tố chính của chính sách mới này là đẩy mạnh việc phát triển hòa nhập dựa vào cộng đồng (CBID) và phát triển nội lực cho nhóm mới bao gồm nghe kém, tự kỷ, hội chứng down, chậm phát triển.
         
Mục tiêu cụ thể của khóa học là phát triển năng lực cho các lãnh đạo nghe kém thuộc Đông Nam Á  qua nâng cao hiểu biết về khái niệm “Phát triển hòa nhập dựa vào cộng đồng”, giúp học viên có cơ hội trao đổi thông tin và kiến thức, và quan trọng, đẩy mạnh sự hợp tác giữa Liên đoàn Nghe kém Châu Á-Thái Bình Dương (Asia-Pacific Federation of the Hard of Hearing and Deafened – APFHD) và APCD. Mong đợi duy nhất từ khóa học là các lãnh đạo có thể áp dụng những kiến thức mới này vào việc hỗ trợ người khiếm thính tại quê hương. Chương trình học bao gồm các kiến thức về: Công bằng khuyết tật, Nghèo đói, Khuyết tật và phát triển, Phong trào khuyết tật Quốc tế và Châu Á – Thái Bình Dương, Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng, Môi trường không khuyết tật, Tập huấn có sự tham gia và vai trò người dẫn dắt, Nhận thức về phát triển hòa nhập dựa vào cộng đồng v.v… Chương trình cũng kết hợp làm các bài thảo luận nhỏ  và tham quan thực tế. Đặc biệt, báo cáo Quốc gia với thiết kế chương trình hành động dựa trên khái niệm CBID là buổi chia sẻ sinh động nhất.
         
Tại Việt Nam, Trung Tâm Nghiên Cứu Giáo Dục Người Khiếm Thính (CED) là tổ chức đi tiên phong trong việc hỗ trợ người nghe kém. Bắt đầu từ trẻ khiếm thính bẩm sinh, CED hỗ trợ máy trợ thính cho trẻ khiếm thính bẩm sinh gia đình nghèo, tư vấn phụ huynh với các dịch vụ sẵn có về can thiệp sớm, thính học, giáo dục học đường nhằm hỗ trợ trẻ tiếp cận được giáo dục hòa nhập trong tương lai. Trẻ học cấp 1,2 hòa nhập, CED có chương trình hỗ trợ học đường rèn luyện kỹ năng đọc môi, giao tiếp, tự giúp và biết đi tìm sự hỗ trợ.
         
Tuy nhiên, CED vẫn có những dịch vụ dành cho người Điếc qua hỗ trợ cho học sinh điếc tại các trường chuyên biệt tiếp tục học lên cao ở trung tâm giáo dục thường xuyên, hay đào tạo người điếc trưởng thành chưa qua trường lớp có thể đọc viết trình độ căn bản. Đặc biệt, huấn luyện kỹ năng sống độc lập như tự đi xe buýt, tự dọn cơm ăn, dọn dẹp bàn ghế hay phụ giúp gia đình.
           
Phát triển hòa nhập qua xây dựng năng lực cho người khiếm thính không thôi chưa đủ. Việc tác động đến các cơ quan ban hành và thực thi chính sách, nâng cao nhận thức cho phụ huynh, giáo viên, cộng đồng luôn là chương trình ưu tiên của CED thông qua hội thảo, tập huấn, sách báo, tham vấn/tư vấn ... Hy vọng trong tương lai gần CED sẽ mở rộng hoạt động cung cấp dịch vụ đến cho nhiều người hơn qua phát triển hòa nhập dựa vào cộng đồng./.   


 
Tác giả bài viết: Dương Phương Hạnh Giám đốc CED Tổng thư ký Liên đoàn Nghe Kém Quốc Tế (IFHOH) Chủ tịch Liên đoàn Nghe Kém Châu Á – Thái Bình Dương (APFHD)
Nguồn tin: Trung Tâm Nghiên Cứu Giáo Dục Người Khiếm Thính (CED)

Bài viết liên quan

IFHOH, I Love You !
Người khuyết tật cần những kỹ năng gì?

Bài đọc nhiều nhất

Thông báo

Video Clip