Mười lý do để học ngôn ngữ ký hiệu (NNKH)

Chúng ta đều có lý do nào đó để chọn học một ngôn ngữ, học vì công việc yêu cầu, nâng cao kiến thức, giao tiếp kết bạn, vì thích hay học cho vui.
 Khi chọn học NNKH, người học cũng có muôn vàn lý do. Hãy xem Người Mỹ họ nghĩ như thế nào về việc chọn học NNKH.
  1. Có thể giao tiếp hiệu quả với người khiếm thính.
  2. Thú vị khi học một ngôn ngữ nhìn thấy (ngôn ngữ liên quan đến thị giác).
  3. Có thêm thành tích trong sơ yếu lý lịch xin việc cũng như có thêm cơ hội làm việc.
  4. Phát triển trí thông minh và trị số IQ.
  5. Có thêm bạn bè và nhiều mối quan hệ.
  6. Cải thiện sự tự tin và nâng cao kỹ năng giao tiếp.
  7. Biết tự diễn đạt một cách khéo léo.
  8. Mở rộng thêm ngôn ngữ trong lớp học.
  9. Học được kỹ năng giao tiếp không lời, ngôn ngữ cử chỉ và diễn tả nét mặt.
  10. Học một ngoại ngữ mới đáp ứng yêu cầu của trường trung học hay đại học.
(Trich nguồn Everything Sign Book)
 
Còn đối với người Việt Nam, mười lý do dưới đây nên học NNKH (Sưu tầm theo ý kiến của học viên và tham khảo từ Internet).
 
1.Học vì muốn trò chuyện cùng người khiếm thính:
 
Các học viên viên NNKH của Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Người khiếm thính khi được hỏi tại sao lại muốn học NNKH, phần nhiều trả lời rằng “thấy người khiếm thính nói chuyện với nhau bằng tay hay quá, nên muốn học để có thể trò chuyện và hiểu họ hơn, để chia sẻ cùng họ, biết họ vui buồn, suy nghĩ gì … Và khi trò chuyện được với người khiếm thính sẽ có thêm người bạn, cuộc sống thú vị hơn.
Tôi đặt lý do này lên hàng đầu không phải vì nó được chọn nhiều nhất mà do ý nghĩa nhân văn của nhu cầu.

2.Để giúp/làm việc với người khiếm thính:
 
 Đối tượng chọn học NNKH theo lý do này là các em sinh viên công tác xã hội, khoa giáo dục đặc biệt. Khi bạn nằm trong nhóm này, bạn cũng nên tìm hiểu thêm về người khiếm thính: các dạng tật, phân loại dạng tật theo tiêu chí gì, mặt bằng học vấn chung cho từng dạng tật, tâm lý, văn hóa Điếc … để bạn có cái nhìn tổng quan hơn về đối tương mình đang làm việc cùng.
 
Nhu cầu mong muốn giúp người khác, đối với tôi là một điều rất đáng trân trọng. Nhưng tôi vẫn đặt lý do để học NNKH theo nhu cầu này vào hàng thứ hai, bởi vì, đối với người khiếm thính, để giúp họ, trước hết phải giao tiếp được và phải hiểu về họ.
 
 3.Muốn học một ngôn ngữ mới:
 
Vâng, NNKH là một ngôn ngữ, đáng được trân trọng và được xem ngang hàng như ngôn ngữ nói, ngôn ngữ viết. Cần phân biệt thêm giữa ngôn ngữ ký hiệu và ký hiệu ngôn ngữ. Ký hiệu ngôn ngữ là các ký hiệu tượng hình thể hiện một vật, sự vật … có ký hiệu là danh từ, động từ, tính từ, đại từ nhân xưng, từ sở hữu … Theo nghiên cứu về ngôn ngữ lý hiệu của các quốc gia phát triển như Mỹ, Pháp, Úc … các ký hiệu ngôn ngữ được kết hợp theo một cấu trúc ngữ pháp cùng với những diễn tả biểu cảm của nét mặt làm thành ngôn ngữ ký hiệu.
 
Việt Nam chưa có công trình nghiên cứu nào cho thấy NNKH Việt Nam có ngữ pháp. Nhưng người khiếm thính ở tất cả mọi miền đất nước đều múa dấu ngược với cấu trúc ngữ pháp của câu tiếng Việt tương ứng. Lý giải truóc hết về vấn đề này: những từ nào người khiếm thính muốn nhấn mạnh, muốn dùng để hỏi người khác họ sẽ múa từ đó cuối cùng. Ngoài cách suy luận này, hy vọng còn lý giải khác, tôi mong học hỏi ý kiến của bạn đọc. 
 
4.Học vì thấy lạ:
 
 Nhu cầu này cũng gây cho tôi sự quan tâm, bởi vì, chỉ những ai thật sự có cái nhìn thiết tha đến cuộc sống mới phát hiện ra cái gì … “lạ”. “Lạ” là không giống ai, nhưng vẫn gây thôi thúc cho người học. Điều này chứng tỏ cái lạ là “tốt”.
 
Có lần tôi hỏi học viên thấy lạ ở chỗ nào. Học viên cho rằng “Em không hề nghe tiếng nói gì nhưng thấy các bạn khiếm thính vẫn hiểu nhau, không hề thấy sự buồn bả mặc cảm nào của người ‘nói’, nhìn các bạn khiếm thính, hăng say múa, vô tư cười, em thấy dường như cuộc sống đối với người khiếm thính rất sinh động như chính ngôn ngữ của họ Lạ!”.
 
5.Học được kỹ năng giao tiếp không lời, ngôn ngữ cử chỉ và diễn tả nét mặt:
 
Điều này thì quá rõ ràng. Khi giao tiếp bằng ngôn ngữ ký hiệu, bạn phải vận dụng hết 12 thành công lực để không nói mà người khác vẫn hiểu. Sự kết hợp nhuần nhuyễn ký hiệu, cử chỉ điệu bộ, diễn tả nét mặt … cũng thể hiện năng lực đặc biệt của người ra dấu.
 
6.Để có những bí mật riêng tư:
 
Trong khi người khiếm thính tự nhận ra rằng “không bao giờ có thể nói thì thầm riêng tư được”, thì người nghe bình thường lại nhìn thấy “thứ tài sản” giúp họ giữ bí mật chuyện không muốn ai nghe. 
 
7.Học vì có người thân là người khiếm thính:
 
 Đây là lý do vô cùng chính đáng, nhưng thật tình mà nói, những học viên có người thân là người khiếm thính tìm đến lớp học ngôn ngữ ký hiệu khi ngươi thân đã lớn rồi, hoặc người thân khiếm thính không biết NNKH, hoặc không biết cách học ngôn ngữ ký hiệu từ chính người thân. Dù lý do gì thì người thân khiếm thính cũng có khoảng thời gian dài chưa được hiểu. Cần nhớ là, kết quả học cuối cùng vẫn là để trò chuyện cùng người thân khiếm thính, cho nên, bạn nào rơi vào trường hợp này, có thể không cần đến lớp học NNKH, bạn có thể nhờ trung tâm tư vấn cách nào để có thể học trực tiếp từ người thân.
 
8.Có những lúc không muốn nói chuyện:
 
Lý do này dù gì cũng là “lý do” và thật nghịch lý khi mà, những người khiếm thính đang mong nói chuyện được. Nhưng dù sao, cuộc đời vẫn có nhiều nghịch lý, có phải vì vậy mà cuộc sống trở nên sinh động chăng.  
 
9.Học vì muốn giết thời gian:
 
 Lý do này dù gì cũng đáng được trân trọng, bởi vì, trong muôn vàn thú tiêu khiển khi rảnh rỗi, bạn vẫn để mắt tới NNKH, quyết định học nó, và chắc chắn là trong tương lai, bạn sẽ giúp cho người khiếm thính có cơ hội giao tiếp với thế giới xung quanh. Chúng tôi cám ơn bạn.
 
10.Học vì muốn thể hiện đẳng cấp:
 
 Tôi đưa lý do này vào hạng mục cuối cùng, vì đây cũng là lý do. Ai cũng muốn thể hiện mình, bằng cách này hay cách khác. Dùng NNKH để thể hiện đẳng cấp thì, suy cho cùng, vẫn là “một người biết ngoại ngữ”.
 
NNKH là “tiếng nói” của người khiếm thính, tiếng nói của cộng đồng thiểu số hiện có mặt ở khắp nơi trên thế giới. Ngày càng nhiều học viên tìm tới học NNKH, dù học bằng bất cứ lý do gì, họ cũng là những nhân tố góp phần làm sinh động thêm thế giới của “những cánh tay bay”./.
 
Dương Phương Hạnh
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Người Khiếm thính (CED)
Tổng thư ký Liên đoàn Khiếm thính Quốc tế (IFHOH)
Chủ tịch Liên đoàn Khiếm thính Châu Á Thái Bình Dương (APFHD)

 

Bài viết liên quan

IFHOH, I Love You !
Người khuyết tật cần những kỹ năng gì?

Bài đọc nhiều nhất

Thông báo

Video Clip