Môi trường y tế tiếp cận cho người khiếm thính
Tháng 12 hàng năm, có ngày 03/12 kỷ niệm ngày Quốc tế người Khuyết tật. Cả tháng 12 như danh cho người khuyết tật. Người ta nói nhiều với nhau về từ khuyết tật. Các phương tiện truyền thông đưa nhiều tin và hình ảnh về các chương trình từ thiện cho người khuyết tật, người nhiễm HIV, nạn nhân chất độc da cam … nhưng có ai nghĩ đến cuộc sống của họ sau những ngày này …về vấn đề chăm sóc y tế, khám và điều trị bệnh.
Tôi thật sự không biết những người khiếm thính khác cảm nhận như thế nào khi họ phải đi khám bệnh hay nhập viện, nhưng với tôi, tôi rất sợ khi phải gặp bác sỹ. Tôi đã nằm viện một lần khi sáu tuổi vì bị sốt cao và mất thính lực luôn từ lúc đó. Theo bản năng, tôi không thích bác sỹ mặc dù họ đã cứu sống tôi. Mặt khác, trong môi trường y tế, các bác sỹ, y tá và những nhân viên khác thường có khẩu trang che miệng và tôi không thể nào nghe được.
Làm thế nào để giao tiếp với người khiếm thính
Trong một lần đi đo thính lực đồ, vì biết mình khiếm thính, trong khi chờ đợi tới lượt, tôi cố gắng đoán xem khi nào thì tới phiên mình. Một lát sau, một người y tá đeo khẩu trang xuất hiện ở cửa phòng đo thính lực và đọc tên bệnh nhân, … nhưng không ai lên tiếng. Linh cảm là có thể đến lượt mình, tôi tới gần cô y tá và hỏi "Chị ơi tới tên ai?" Ngay lập tức, tôi nhận ra là mình cũng chẳng nghe được cô ta nói gì, nên với đưa tay cầm lấy bệnh án cô y tá đang cầm và đọc được tên mình. Rồi tôi nghe tiếng cô y tá như nạt nộ, tôi thật sự bực tức và la lên "Tôi điếc tôi mới tới đây". Khu vực này dành khám và trị bệnh cho người bị mất thính lực, ai cũng biết điều đó, nhưng không hiểu sao các bác sỹ, ý tá và các nhân viên bệnh viện vẫn đeo khẩu trang khi khám bệnh và nói thét to để bệnh nhân nghe. Có nên chẳng nhân viên y tế cần học qua kỹ năng giao tiếp với người khiếm thính? Người khiếm thính nghe bằng đọc hình môi và không cần phải hét to chỉ cần nói chậm, rõ và tròn chữ.
Một lần khác, tôi đi tới một bệnh viện để khám tai. Sau khi nghe nói tôi bị mất thính lực, người bác sỹ đã tháo ngay khẩu trang đang đeo ra và hỏi bệnh tôi rất kỹ, đầy thân thiện. Sau lần khám bệnh này, tai tôi chẳng nghe được tốt hơn, nhưng ít ra, tôi cũng biết làm thế nào để giao tiếp được tốt hơn ở môi trường bệnh viện. Tôi cũng có đem vấn đề "người khiếm thính không thể nghe được lời nói của bác sỹ, y tá khi họ đeo khẩu trang …" trao đổi với một chị bạn là bác sỹ làm việc tại một trung tâm y tế dự phòng của quận. Chị đã chia sẻ chân tình "Trong thời đại bệnh cúm hoành hành, thì việc đeo khẩu trang là bắt buộc đối với nhân viên y tế đó là để bảo vệ sức khoẻ cho bệnh nhân" Tôi nghĩ rằng người khiếm thính không nên đi khám bệnh một mình mà nên có người thân hay bạn bè đi theo. Có thể các bác sỹ, y tá tôn trọng người khiếm thính nhưng họ không có nhiều thời gian để ngồi nghe người khiếm thính nói và kiên nhẫn ngồi nói để bệnh nhân khiếm thính nghe và hiểu họ.
Một dịp khác, Câu lạc bộ khiếm thính Tp.HCM được khám nha khoa miễn phí tại một bệnh viện. Thật ngạc nhiên khi nhiều thành viên được yêu cầu nhổ răng. Các nha sỹ không hỏi câu gì cả, chỉ đưa ra hướng điều trị và nhổ răng không một lời giải thích hay hỏi bệnh nhân khiếm thính có đồng ý hay không. Điều này cũng xảy ra với tôi "Răng chị có một cái cần phải nhổ", một nha sỹ bảo thế. Tôi trả lời "Xin lỗi, tôi không muốn nhổ răng và cũng không chuẩn bị tinh thần để nhổ răng. Nhổ răng đau lắm, trám răng cho tôi thôi". Tôi xin nói thêm là vào buổi khám bệnh này, có một người thông dịch viên cùng đi theo chúng tôi, và câu lạc bộ khiếm thính thì có người Điếc và người nghe kém. Một thành viên khiếm thính khác của Câu lạc bộ tôi được yêu cầu nhổ bốn cái răng. Người này hỏi ý kiến tôi, và tôi nói với các nha sỹ rằng để bạn ấy về hỏi ý kiến của cha mẹ. Sau đó, gia đình đã đưa người này đến phòng khám nha khoa tư nhân. "Con trai ông không cần phải nhổ răng" người nha sỹ tại phòng răng đã kết luận như thế. Hai quyết định điều trị khác nhau, nhưng tại sao lại như vậy?
Một thành viên khiếm thính khác của câu lạc bộ khiếm thính Tp.HCM cũng rất buồn và sợ khi đi khám bệnh. 51 tuổi, mới bị mất thính lực hai năm và còn đang rất khủng hoảng vì những mất mát đột ngột, ông cảm thấy mình bị gạt ra ngoài xã hội và không tồn tại vì "Bác sỹ không muốn nói chuyện với tôi, chỉ nói với vợ tôi và không sẵn lòng viết ra giấy khi tôi yêu cầu".
Một môi trường y tế tiếp cận cho người khiếm thính
Có hai cách chính hỗ trợ cho việc giao tiếp của người khiếm thính: thông dịch viên ngôn ngữ ký hiệu và các thiết bị hỗ trợ việc nghe. Có khó không cho người khiếm thính để có được những sự hỗ trợ này?
Những thiết bị hỗ trợ việc nghe thì chưa phổ biến nhiều ở Việt Nam ngoại trừ máy trợ thính. Các dụng cụ hỗ trợ việc nghe khác dường như quá xa hoa. Trước đây, một người bạn Thụy Điển đã nói với tôi về T-Loop, hệ thống FM v.v… nhưng tôi không hiểu cũng như không biết chúng là gì cho tới khi tôi tham dự hội nghị ở Canada vào tháng bảy năm ngoái. Thật rất tiếc là tôi đã quên thử các thiết bị này. Tại Việt Nam, có một số công ty bán máy trợ thính với hiệu Siemens là nổi tiếng nhất. Ngoài ra, cũng có các trẻ khiếm thính tại các trường được tặng máy trợ thính từ thiện từ các cá nhân, tổ chức hảo tâm, từ hội bảo trợ … Do khí hậu nóng và ẩm thấp ở Việt Nam, máy trợ thính thường dễ bị hư và phải bảo trì thường xuyên, nên nhiều người cũng không thích đeo máy trợ thính lắm.
Thông dịch ngôn ngữ ký hiệu thì thường là các giáo viên tại các trường nuôi dạy trẻ khiếm thính, ngoài ra còn có những bạn trẻ có đạo thông dịch giúp người Điếc ở nhà thờ. Ở Việt Nam không có trường hay lớp học đào tạo thông dịch viên ngôn ngữ ký hiệu. Như vậy, những thông dịch viên không thể chuyên nghiệp được. Họ tự học ngôn ngữ ký hiệu hoặc học từ người Điếc, và giúp người khiếm thính bằng tình thương và lòng trắc ẩn của họ.
Với chương trình can thiệp sớm hiện nay, trẻ khiếm thính được dạy nói và nghe bằng đọc tín hiệu môi. Nếu người khiếm thính và gia đình họ có thể tự giao tiếp được trong môi trường y tế thì cũng tốt thôi. Tuy nhiên, với những trường hợp bệnh nặng, gia đình bệnh nhân khiếm thính phải tự tìm một người thông dịch và thường là chọn các giáo viên giỏi ngôn ngữ ký hiệu đã dạy cho con/em khiếm thính của mình. Có khoảng 3.550 người khiếm thính ở Tp.HCM (theo số liệu thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội năm 2006), thành phố lớn thứ hai tại Việt Nam, nhưng số người có thể làm công việc thông dịch ngôn ngữ ký hiệu không quá 20, con số này còn ít hơn số bệnh viện, số văn phòng luật sư hay tòa án tại Tp.HCM. Vậy, người khiếm thính rất khó tìm cho mình một người thông dịch ngôn ngữ ký hiệu. Tại sao các bác sỹ, y tá, điều dưỡng hay nhân viên bệnh viện không học ngôn ngữ ký hiệu? Hoặc, mỗi bệnh viện chỉ định vài nhân viên học ngôn ngữ ký hiệu để hỗ trợ cho người khiếm thính? Khách hàng được xem là "Thượng đế", người khiếm thính trong môi trường y tế có được lắng nghe và trình bày ý kiến của họ? Đã đến lúc xã hội nên nghĩ về một trường y tế tiếp cận cho người khiếm thính.
Dương Phương Hạnh
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Người Khiếm thính (CED)
Tổng thư ký Liên đoàn Khiếm thính Quốc tế (IFHOH)
Chủ tịch Liên đoàn Khiếm thính Châu Á Thái Bình Dương (APFHD)