Mất thính lực - Cuộc sống có trọn vẹn?
"Tạo hóa ban cho con người các giác quan để nhìn thấy mặt trời lên mỗi sớm mai, để lắng nghe tiếng chim rộn rã đầu ngày, để ngửi hương thơm nồng nàn của muôn hoa, để cảm nhận vạn vật có sức sống và linh hồn… " (Báo Thế giới phụ nữ). Mất hay suy giảm một giác quan nào đó là chấp nhận cuộc đời này bớt đi niềm vui và thêm nhiều bất lợi.
Suy giảm thính lực hoàn toàn hay một phần cũng không nằm ngoài quy luật trên. Người mất hay suy giảm thính lực không nghe được hoàn chỉnh một cuộc đối thoại cho dù nội dung có thú vị hay không, không nghe được lời thì thầm của người thân, hoặc gặp nhiều hạn chế trong việc tiếp cận thông tin. Người mất thính lực như đứng bên lề cuộc sống, lạc lỏng giữa những buổi tiệc náo nhiệt hay cô độc khi bạn bè thân thiết ở xa ...
Nhưng thật không đáng nếu để cho việc mất thính lực hạ gục bạn. Một thái độ tích cực, cách điều trị đúng và cơ hội để chia sẻ kinh nghiệm với người khiếm thính khác, sẽ hướng bạn đến một cuộc sống tốt đẹp với việc mất thính lực của mình.
Đừng che giấu việc mất thính lực
Phải nói đây là căn bệnh đi kèm theo bệnh mất thính lực. Thường thì khi bị mất thính lực, chúng ta luôn che dấu khiếm khuyết của mình sợ mọi người xung quanh biết và đôi khi chỉ muốn cho người đối thoại hài lòng, vì không bực sao cho được khi phải đi nói lại hoài chỉ một câu đơn giản.
Tôi cũng mắc phải căn bệnh trầm trọng này suốt thời gian học phổ thông và cả khi học đại học. Tôi luôn che dấu không muốn ai biết mình không nghe. Khi giáo viên đọc bài cho học sinh chép, khi mà mọi sinh viên đều cuối đầu xuống ghi ghi chép chép, tôi cũng làm theo như một cái máy, để rồi mượn tập bạn về nhà chép lại hay khi hết giờ mọi người đã về hết tranh thủ ngồi viết lại (nếu bạn không cho mượn tập đem về). Thời học sinh thì bạn bè hay nghịch phá, lâu lâu lại nói “bộ điếc hả?” thế là lại rớt nước mắt hoặc tự tin hơn chút thì bảo “không, tôi nghe kém hay tôi nặng tai”.
Thời gian đầu đi làm việc cũng thế, tôi lúc nào cũng nơm nóp lo sợ các đồng nghiệp biết mình bị mất thính lực. Có người tử tế giả vờ không biết, nhưng đa số hay cười cợt và điều này lại làm tôi rớt nước mắt. Sau này, khi tham gia vào một dự án khiếm thính, tôi mới nhận ra giá trị của mình, tự tin lên và đôi khi, tự cười mình về thái độ nhút nhát không đáng có trước đây.
Hãy tự khoe mình bị mất thính lực bất cứ khi nào có thể. Điều này giúp cho bạn có được sự thuận lợi khi giao tiếp và tránh những hiểu lầm đáng tiếc xảy ra. Có trường hợp, người khiếm thính nghe bằng đọc tín hiệu môi, do che dấu khiếm khuyết của mình và vì nhìn quá chăn chú nên bị nhận xét là “người hay xoi mói” hay “người không đứng đắn vì sao cứ nhìn chằm chằm vào nam/nữ giới”. Nếu vượt qua được điều này, chẳng những chúng ta nghe được tốt mà còn cảm thấy thoải mái, cuộc sống tươi vui thú vị vì có nhiều bạn bè chứ không phải lúc nào cũng lo lắng tránh né.
Trong trường hợp này, vai trò của gia đình cũng rất quan trọng. Nếu gia đình quan tâm, tôn trọng những khi con/em mình không nghe, chịu khó nói đi nói lại và luôn là chỗ dựa tin thần … thì các em khiếm thính cũng tự tin thêm. Có một số phụ huynh, khi con còn khiếm thính nặng thì cho chơi với các trẻ em khiếm thính như con mình, nhưng sau một thời gian chữa bệnh - thực hiện chương trình can thiệp sớm, sử dụng máy trợ thính tốt, đứa bé nghe nói tốt … và thế là cấm không cho con chơi với bạn khiếm thính khác? Điều này chẳng những không giúp các em được điều gì mà nó còn làm cho các em có suy nghĩ lệch lạc đi, coi thường bạn bè đồng cảnh của mình.
Hãy chấp nhận một sự thật rằng "dù máy trợ thính có tốt đến đâu, dù chúng ta có nghe được và tốt hơn nhiều khi có máy trợ thính, chúng ta vẫn bị khiếm thính và khiếm thính chỉ là một căn bệnh bình thường như chúng ta cận thị hay cảm cúm…".
Máy trợ thính – đôi tai của bạn
Tôi đã gặp rất nhiều trường nhiều trường hợp các bạn khiếm thính có cuộc sống tốt hơn khi đeo máy trợ thính. Sự phục hồi phần nào thính lực do đeo máy giúp chúng ta nghe được những âm thanh của thiên nhiên, giúp nghe được người khác nói tốt hơn, chúng ta có nhiều bạn bè hơn, có thể học tập và làm việc được tốt. Đời sống tinh thần và vật chất được cải thiện thì không có lí gì chúng ta cứ phiền muộn.
Có thể có nhiều nguyên nhân làm chúng ta ngại khi đeo máy như: không có điều kiện kinh tế, ngại đeo vì sợ bị người khác biết, không tìm được máy phù hợp … Đeo máy trợ thính thì cũng giống như chúng ta đeo kiếng cận thôi, thời gian đầu có thể khó thích nghi với máy do các triệu chứng đau đầu, sốt, tiếng vang … nhưng nếu vượt qua được và kiên nhẫn tập nghe với máy, cuộc sống chúng ta sẽ khác đi. Chúng ta sẽ nghe được nhiều thông tin bổ ích, không còn cảm thấy bị cô lập và tự tin hơn. Chỉ trừ khi ta không tìm được máy phù hợp để đeo do độ mất thính lực quá nặng, hãy cố gắng sử dụng máy trợ thính.
Với trường hợp không có điều kiện kinh tế, thì hiện nay đã có một số nhà cung cấp máy trợ thính có chương trình khuyến mãi bán mãi trả góp như Công ty Dịch vụ Trợ thính Quang Đức www.quangduc.vn . Đối với trẻ sơ sinh khi được phát hiện mất thính, thì điều tiên quyết là phụ huynh nên tìm mua máy trợ thính cho các cháu, nếu như không muốn sau này các cháu mất luôn chức năng nói.
Người khiếm thính có thể làm tất cả mọi việc trừ việc NGHE
Đây là câu nói của Hiệu trưởng đương nhiệm Trường Đại học Gallaudet, Mỹ - Trường Đại học đầu tiên và duy nhất trên Thế giới dành cho người Khiếm thính. Khi chúng ta tự tin vào bản thân, biết nỗ lực phấn đầu vượt qua khó khăn, chúng ta có thể biến những cái không thể thành có thể cho dù bị khuyết tật. Chúng ta chắc chắn sẽ tràn đầy niềm vui chiến thắng.
Tôi may mắn đã gặp được một số người khiếm thính mà ý chí phấn đấu của họ đã ảnh hưởng đến tôi rất nhiều, đã kéo tôi, từ một cô gái khiếm thính lúc nào cũng buồn bã không biết tương lai của mình sẽ như thế nào thành một người tự tin và luôn khát khao mong muốn tiến bộ. Đó là một người Khiếm thính nhưng là phi công – Ông Johan Hammarstrom (nếu không đeo máy trợ thính, ông hoàn toàn không nghe được gì cả), một mình lái máy báy bay vòng quanh Thế giới để kêu gọi mọi người hãy quan tâm tới người khiếm thính và với người khiếm thính "mọi việc không thể đều trở thành có thể nếu có quyết tâm…".
Đó là một người khiếm thính Pakistan – Ông Muhammad Akram - người sáng lập và là chủ tịch tổ chức Danishkadah. Là kỹ sư tin học nhưng ông dành hầu hết thời gian trong ngày của mình làm việc về lĩnh vực khuyết tật: tư vấn, tìm kiếm cơ hội học tập và việc làm cho thành viên đủ mọi dạng tật trong tổ chức. Không chỉ thế, ông còn là thành viên của nhiều tổ chức khiếm thính Thế giới. Hiện nay, Ông đang tổ chức một khoá học "Phát triển website tiếp cận" mà Ông cũng là người trực tiếp hướng dẫn cho 93 người đủ các dạng tật ở khắp nơi trên Thé giới. Một người như vậy bảo đảm không có thời gian cho sự buồn phiền.
Và hãy là thành phần tích cực của xã hội
Tại sao chúng ta phải là một thành phần tích cực cho xã hội? Khi chúng ta sống tích cực, có những ước mơ hoài bão và mong muốn được cống hiến thì chúng ta sẽ là người đầu tiên nhận được niềm vui và thành quả từ cuộc sống mang lại.
Có lần, một em trai khiếm thính tìm tới tôi với một lý do "Chị ơi, em buồn quá. Em không biết sống để làm gì? Chị cho em một lời khuyên …". Khi nói chuyện với tôi, em luôn cuối đầu xuống và nói thật nhỏ, em có nghe người đối thoại nói không khi cứ nhìn xuống? và sao em nhìn thấy thái độ thân thiện từ người khác để khỏi cảm thấy lạc lỏng? Khi em tới gặp tôi tại Câu lạc bộ Khiếm thính TP.HCM (CLB) theo lời hẹn, do quá bận, tôi kêu em vào CLB trước, tôi sẽ gặp em sau. Khi gần kết thúc buổi sinh hoạt, tôi tìm mãi mới thấy em vẫn còn ngồi một mình ở góc cổng … Với CLB Khiếm thính, với những người đồng cảnh ngộ như em mà em còn không dám tiếp cận thì làm sao em thấy tự tin khi ra ngoài xã hội?
Tôi là người thích cầu tiến và luôn tự tin, nhưng lại không hề tham gia đội, đoàn hay bất cứ một hoạt động nào cả. Cuộc sống của tôi cứ lặng lờ trôi ngày qua ngày … cho đến một hôm tôi có ước muốn tìm xem những người khiếm thính sống ở đâu, sống như thế nào và họ làm gì để kiếm sống. Và nơi đầu tiên tôi gặp được cộng đồng người khiếm thính của mình là Trường Tương Lai Quận 5. Không biết diễn tả như thế nào cho hết cảm xúc của tôi – một người khiếm thính sống hơn ba mươi năm trên đời và cứ ngỡ chỉ mỗi mình là khiếm thính - vừa buồn cho số phận của các em vừa cám ơn vì dù sao các em cũng còn có một mái trường. Tôi bắt đầu nghiệm ra rằng cuộc sống còn rất nhiều điều tốt đẹp và cần sự nỗ lực đóng góp của mỗi người chúng ta. Bây giờ đây, khi đã là nhân viên công tác xã hội về lĩnh vực khiếm thính cho Chương trình Khuyết tật & Phát triển (DRD) tôi cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn bao giờ hết và sống với niềm vui tràn đầy mỗi ngày.
Tôi không phải là chuyên gia hay là một học giả uyên bác để đưa ra mội lời khuyên người khiếm thính nên sống như thế nào để cuộc sống được trọn vẹn. Tôi chỉ chia sẻ với các bạn khiếm thính kinh nghiệm sống học tập và làm việc của tôi và cầu mong cho các bạn vượt lên chính mình, sống tự tin, tích cực, sống có ích cho gia đình và xã hội.
Dương Phương Hạnh
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Người Khiếm thính (CED)
Tổng thư ký Liên đoàn Khiếm thính Quốc tế (IFHOH)
Chủ tịch Liên đoàn Khiếm thính Châu Á Thái Bình Dương (APFHD)