Câu lạc bộ ngôn ngữ ký hiệu – hành trình đi đến ước mơ

Ngôn ngữ ký hiệu (NNKH) là “tiếng nói” đặc trưng của người khiếm thính. Nếu như trước đây, khi những người khiếm thính sử dụng NNKH tại những nơi công cộng, họ sẽ bị cười cợt, bị xem như “người ngoài hành tinh”, gặp phải những cái nhìn thiếu tôn trọng …, thì bây giờ mọi người đổ xô nhau đi tìm học NNKH vì tò mò muốn biết, học để giao tiếp trực tiếp với người khiếm thính, học để làm việc chung và giúp người khiếm thính. Nếu như trước đây, gia đình cấm con em mình sử dụng NNKH vì sợ bị cười chê, thì ngày nay, đã có một số ít gia đình khuyến khích và cùng đồng hành với con em khiếm thính của mình trong việc học và tâm sự hàng ngày bằng NNKH.
 
Tại sao có sự thay đổi như vậy? Vì NNKH trước đây không đúng hay vì trước đây NNKH chưa được công nhận như là tiếng nói chính thức của người khiếm thính?
 
Đúng là theo thời gian, NNKH ngày càng được hoàn chỉnh hơn chứ không đơn thuần là ngôn ngữ cử chỉ điệu bộ, và cũng theo thời gian mọi người quan tâm hơn về cộng đồng người khiếm thính: tìm hiểu người khiếm thính, NNKH, mong muốn kết bạn, v.v… Và như vậy, nhu cầu học NNKH ngày càng nhiều … nhưng buồn là tìm hoài không biết ở đâu dạy NNKH? Trước đây, ở thành phố Hồ Chí Minh hầu như không có một lớp học ngôn ngữ ký hiệu nào, nếu có, cũng không chính thức, do giáo viên có kinh nghiệm làm việc với trẻ khiếm thính lâu năm dạy cho những người quen biết có nhu cầu. Cho đến đầu tháng 06/2007, Chương trình Khuyết tật và Phát triển (DRD) đã chính thức chiêu sinh học viên NNKH khóa đầu tiên.
 
Chỉ trong vòng sáu tháng, với 4 khóa học, số học viên học NNKH đã trên 100 người và lúc này phát sinh thêm vấn đề: học viên sau khi học xong 20 bài học cơ bản - có thể giao tiếp những câu thông thường với người khiếm thính - bắt đầu có dấu hiệu QUÊN bởi vì học mà không có điều kiện thực hành thì không thể nào nhớ được. Nắm bắt được tình hình thực tế trước mắt, DRD mở rộng thêm việc học NNKH kết hợp thực hành qua việc liên kết với Câu lạc bộ Khiếm thính TP.HCM. Và Câu lạc bộ ngôn ngữ ký hiệu (CLB NNKH) đã ra đời chính thức hoạt động vào ngày 06/01/2008 tại cơ sở 2, trường Đại học Mở số 35 – 37 Hồ Hảo Hớn, Phường Cô Giang, Quận 1, TP.HCM.
 
CLB NNKH như một luồng gió mới thổi vào việc học NNKH. Tại CLB NNKH người nghe và người khiếm thính có thể giao lưu kết bạn với nhau; qua tham gia CLB người nghe sẽ tăng vốn từ về NNKH; có môi trường ôn luyện NNKH thường xuyên; và giúp các phụ huynh có điều kiện tìm hiểu NNKH để hỗ trợ cho con em mình. Sâu xa hơn, từ môi trường sinh hoạt CLB NNKH này, người nghe sẽ có được kỹ năng giao tiếp với người khiếm thính và như vậy sẽ hỗ trợ được người khiếm thính ở bất cứ nơi nào, cũng như, người khiếm thính sẽ mạnh dạn tự tin hơn khi giao tiếp với xã hội bên ngoài CLB.
 
Thành viên tham gia CLB NNKH là người khiếm thính muốn học thêm NNKH, người nghe bao gồm các em sinh viên, học sinh, nhân viên công ty… muốn tìm hiểu về NNKH, phụ huynh của người khiếm thính v.v.. và được rất nhiều anh chị em CLB Khiếm thính TP.HCM cùng tới sinh hoạt chung. Đồng thời cũng có một nhóm ngưới nghe kém (bị mất thính lực do bệnh hoặc tai nạn …) cũng tham gia sinh hoạt CLB NNKH, chấp nhận hoàn cảnh khuyết tật thực tế, tìm đến CLB NNKH như một phương thức tiếp cận xã hội trong tương lai và mong muốn cùng chung vai sát cánh với cộng đồng mới của mình. CLB đã hoạt động điều đặn từ khi thành lập cho đến nay vào 9g sáng chủ nhật hàng tuần.
 
CLB NNKH có Ban chủ nhiệm (BCN) riêng, gồm 4 người, mỗi người phụ trách một buổi và có trách nhiệm lên kế hoạch hành động cho cả buổi sinh hoạt mà mình phụ trách bao gồm: soạn chủ đề sinh hoạt, trò chơi gắn kết, đọc phiếu đóng góp ý kiến của thành viên tham gia vào cuổi buổi sinh hoạt và họp trao đổi trong BCN … Chủ đề là những nội dung thường gặp hàng ngày như hỏi họ tên, tuổi, cư ngụ, gia đình, nghề nghiệp v.v… Những thành viên mới tham gia ở bất kỳ buổi sinh hoạt nào, dù chưa bao giờ học NNKH, vẫn có thể sinh hoạt vì chủ đề mỗi buổi hoàn toàn độc lập và được BCN cử người hỗ trợ vào giờ giải lao hoặc trước và sau buổi sinh hoạt. Cứ mỗi buổi sinh hoạt có từ 10 – 20 người nghe tham gia cùng với trên 30 anh chị em CLB Khiếm thính TP.HCM. Cho tới nay đã có khoảng trên 50 người đã từng tham gia sinh hoạt CLB NNKH. Ngày 18/5 vừa qua, CLB NNKH đã tổ chức sinh hoạt tại Thảo Cầm Viên vừa vui chơi vừa học dấu về những con thú, buổi này có 38 em sinh viên, học sinh và tình nguyện viên tham gia.
 
Do mới được thành lập, CLB cũng gặp nhiều khó khăn. Kinh nghiệm tổ chức, điều phối, quản lý chưa có, còn thiếu người khiếm thính vừa giỏi NNKH vừa giỏi tiếng Việt, người nghe tham gia sinh hoạt không sắp xếp được thời gian (do sáng chủ nhật có rất nhiều hoạt động ở các nơi khác) nên chỉ có khoảng 10 người là sinh hoạt đều đặn từ lúc thành lập đến nay. Những người nghe tham gia chưa thực sự chủ động và hiểu hết vai trò của mình trong việc tham gia CLB NNKH. Đây không phải là những buổi sinh hoạt thông thường mà nó mang mô hình “tiền tiếp cận xã hội cho người khiếm thính” trong đó người nghe đóng vai trò rất quan trọng “là những công cụ truyền thông” mang những thông tin học hỏi được khi tiếp cận người khiếm thính, chia sẻ kỹ năng tiếp cận người khiếm thính, chia sẻ những kiến thức về NNKH cho người thân, bạn bè, cho cộng đồng, cho cả xã hội .. để tránh đi những hiểu lầm đáng tiếc khi người nghe gặp người khiếm thính tại những nơi công cộng, để mọi người hiểu rõ hơn về người khiếm thính - “những người có ích cho xã hội” - nếu người khiếm thính hiểu vấn đề từ sự truyền đạt đúng cách.
 
Mơ ước trong tương lai là CLB NNKH sẽ là mái nhà của những bậc phụ huynh có con em khiếm thính tìm đến. Để chi? để học NNKH, để chia sẻ kinh nghiệm nuôi dạy con em khiếm thính của mình, để có sự quan tâm đúng đến con em khiếm thính. Một cuộc khảo sát ngắn vừa qua của CLB Khiếm thính TP.HCM cho thấy, với tổng số 48 người khiếm thính được phỏng vấn chỉ có 5 người là gia đình có thể trò chuyện bằng NNKH với con em mình. Trong khi hầu hết người khiếm thính trình độ học vấn rất thấp cộng với hạn chế về giao tiếp, không có khả năng truyền đạt hết những tâm tư nguyện vọng của mình bằng cách viết, thế thì con số 43 người khiếm thính còn lại có cuộc sống như thế nào tại gia đình họ? Một vấn đề đau lòng nhưng đã tồn tại bao nhiều năm qua, mấy chục năm hoặc có thể hơn cả trăm năm … Và với các anh chị em nhân viên công tác xã hội (CTXH), những tình nguyện viên (TNV), CLB NNKH sẽ là nơi các bạn thể học hỏi kỹ năng tiếp cận với người khiếm thính, để từ chính các bạn, những tình cảm thân thương, tình yêu và lẻ sống ... sẽ đến được với từng trẻ em khiếm thính ở các mái ấm nhà mở, nơi các bạn đã đi qua, để các em cảm nhận trọn vẹn thế giới bên ngoài là đầy ấp những thương yêu, là vẫn có rất nhiều người hiểu các em, trò chuyện được với các em, quan tâm chăm sóc đến các em. “Thượng để không bỏ rơi một ai hết”, mong rằng trong con mắt của các trẻ em khiếm thính, Thượng để vẫn luôn ngự trị và tồn tại qua hình ảnh của các bạn.
 
Khi chúng ta là người lớn, chúng ta hiểu trẻ nhỏ dễ hơn là bắt chúng hiểu ta. Với người khiếm thính cũng vậy, người nghe có thể hiểu người khiếm thính dễ hơn là bắt họ hiểu mình. Biết NNKH thôi chưa đủ để giao tiếp và hiểu người khiếm thính, bạn cần phải có những kỹ năng khác để tiếp cận họ và CLB NNKH - ngôi nhà bạn đang tìm - luôn chào đón bạn!
 
Dương Phương Hạnh
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Người Khiếm thính (CED)
Tổng thư ký Liên đoàn Khiếm thính Quốc tế (IFHOH)
Chủ tịch Liên đoàn Khiếm thính Châu Á Thái Bình Dương (APFHD)

Bài viết liên quan

IFHOH, I Love You !
Người khuyết tật cần những kỹ năng gì?

Bài đọc nhiều nhất

Thông báo

Video Clip