ALDA – Gia đình lớn của tôi

Tôi vinh dự được đại diên cho Châu Á-Thái Bình Dương tham dự Hội nghị do Hội người mới bị mất thính lực Hoa Kỳ(Association of late-Deafened Adults - ALDA) tổ chức từ ngày 14-18/10/2009 tại Seatle, WA, USA. Thật không thể nào diễn tả hết cảm giác kinh ngạc và vui sướng của tôi trước những thành tựu khoa học tiên tiến trong lĩnh vực khiếm thính, những nhân vật nổi tiếng, những tấm gương phấn đấu đáng khâm phục, chấp nhận khuyết tật để vươn lên trong cuộc sống.

Hội nghị đã kết thúc, nhưng tôi vẫn luôn có cảm giác nó vẫn mới hôm qua, ở đâu đó quanh tôi và hiện hữu trong cuộc đời tôi như cơ duyên trời định. Tại Mỹ và các nước Châu Âu, có các tổ chức riêng biệt của người Điếc như Liên đoàn Người Điếc Quốc tế (World Federation of the Deaf - WFD), của người nghe kém như Liên đoàn Khiếm thính Quốc tế (International Federation of hard of Hearing People – IFHOH) hoặc Liên đoàn Khiếm thính Châu Âu (European Federation of Hard of Hearing People), của người mới bị mất thính lực hay còn gọi là điếc đột ngột như Hội người mới bị mất thính lực ở Mỹ (Association of Late-Deafened Adults-ALDA). ALDA là tổ chức Phi lợi nhuận thuộc tầm Quốc gia, quy tụ chủ yếu là những người mới bị mất thính lực tại Hòa Kỳ, cùng chia sẻ kinh nghiệm và vận động các cơ quan ban ngành và xã hội tìm hiểu, hỗ trợ và đón nhận các thành viên họ đang sống và làm việc khắp đất nước.
 
ALDA cũng không bỏ qua những thành viên không sống trên đất Mỹ như tôi. Tôi đã trải qua thời khắc khủng khiếp đối mặt áp lực việc công việc và nỗi buồn mất đi một người cha thân yêu. Trong thời gian này, tôi phải làm nhiều thủ tục để được tham dự hội nghị, ALDA luôn ở quanh tôi, khuyến khích tôi và chia sẻ với tôi những câu chuyện của họ … Chủ nhiệm Hội đồng Quốc tế của ALDA, bà Lauren Strock, một thiếu phụ xinh đẹp và thân thiện luôn khích lệ và hỗ trợ bất cứ khi nào tôi cần. Tôi cũng có tình bạn thân thiết với người phụ trách xét duyệt kinh phí hỗ trợ cho một số thành viên tham gia hội nghị, Cô Carolyn Piper. Tiếc rằng tôi không được gặp Carolyn tại hội nghị để có thể ôm chặt Cô và nói rằng tôi cám ơn Cô biết dường nào.
 
Có thể nói rằng, tinh thần cùa hội nghị này gói gọn vào câu nói “Dù chúng ta ở đâu, trái tim của chúng ta vẫn cùng một nơi”. Ấn tượng đầu tiên của tôi đối với hội nghị là được chào đón thật nồng ấm. Tôi không có cảm giác là mình tới tham dự lần đầu, cứ ngỡ như là người con đi xa nay lại trở về nhà. Thật dễ dàng cho tôi quăng đi cái vỏ bọc nhút nhát ban đầu để hòa mình vào hội nghị, trò chuyện cởi mở và thoải mái với mọi người và cùng tham gia vào nhóm khiêu vũ vui nhộn.
 
Tôi đã rơi lệ khi nghe bài phát biểu của Bà Sue Thomas, người Điếc bẩm sinh nhưng là một diễn giả hết sức thuyết phục. Bị điếc từ khi 18 tháng tuổi, bằng quyết tâm của người cha, tình thương dạt dào của mẹ - những người đã bằng mọi cách đem tiếng nói đến cho con gái – Bà đã vươn lên trong cuộc sống, lấy được bằng Thạc sỹ và là nhân viên kỳ cựu của FBI chuyên đọc băng ghi hình tôi phạm. Một công việc thật thú vị và tôi ước ao mình được tuyển chọn vào công việc như vậy để phục vụ cho đất nước, vì bản thân tôi cũng như một số người khiếm thính khác có kỹ năng đọc tín hiệu môi cực tốt.
 
Tôi cũng được nghe bài diễn thuyết đầy lạc quan và khích lệ của Tiến sỹ J.King Jordan, từng là Chủ tịch Trường Đại học Gallaudet, Đại học đầu tiên và duy nhất trên Thế giới dành cho người khiếm thính, người có câu nói bất hủ trong cộng đồng người khiếm thính “Người khiếm thính có thể làm tất cả mọi việc trừ việc nghe”. 21 tuổi ông bị tai nạn khi lái xe mô tô mà không đội mũ bảo hiểm và bị điếc từ đó. Ông đã nói rằng “Tôi thật là ngu xuẩn khi lái mô tô mà không đội mũ bảo hiểm, nhưng … chẳng có gì là khủng khiếp cả khi là người Điếc nếu đừng nghĩ tới nó …”
 
Nếu như trước đây có nhiều người bảo tôi rằng “Tôi không tin em là người điếc vì em nói chuyện tốt quá…” “Tôi không tin là em bị điếc đặc tai trái, tay phải điếc 90dB lại có thể nói chuyện được như thế. Nếu đúng là độ mất thính lực của em như thế, em không thể nào nghe được làm gì có thể nói chuyện …” thì giờ đây, tôi có thể chia sẻ với họ về những người tôi đã thấy, mất thính lực còn nặng hơn tôi nhưng vẫn nói chuyện tốt. Quan trọng là người khiếm thính có nỗ lực để luyện tập hay không. Tôi đã có thời gia dài trên 32 năm sống, học tập và làm việc trong cộng đồng người nghe, để mà cứ ngỡ rằng chỉ mình tôi điếc. Tôi bây giờ không còn một mình nữa trong cộng đồng khiếm thính Việt Nam và còn có thêm gia đình ALDA. Là một nhân viên xã hội không chuyên, nói chính xác, là nhân viên tham vấn đồng cảnh và là người điếc duy nhất tại Việt Nam làm công việc này, tôi thật sự thích thú trước những gì mình thấy được tại gia đình ALDA này. Tôi đã lĩnh hội được những thông hữu ích và tiên tiến, học được nhiều kỹ năng, có được những người bạn tuyệt vời.
 
Tôi là cô gái may mắn. Cám ơn sự mất thính lực của tôi, cám ơn những người bạn khiếm thính của tôi mà nhờ có họ tôi cảm nhận được trọn vẹn cuộc sống là gì.
  

Dương Phương Hạnh

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Người Khiếm thính (CED)
Tổng thư ký Liên đoàn Khiếm thính Quốc tế (IFHOH)
Chủ tịch Liên đoàn Khiếm thính Châu Á Thái Bình Dương (APFHD)

Bài viết liên quan

IFHOH, I Love You !
Người khuyết tật cần những kỹ năng gì?

Bài đọc nhiều nhất

Thông báo

Video Clip