Khẩu trang ‘xuyên thấu’ dành cho người khiếm thính

TTO - Người bình thường nghe người khác nói qua khẩu trang đã khó, với người khiếm thính việc này càng khó hơn khi họ phải dựa vào khẩu hình để 'nghe'.

 

Khẩu trang ‘xuyên thấu’ dành cho người khiếm thính - Ảnh 1.

Bà Kelly Morellon (phải) và mẹ, bà Sylvie, đã cùng nhau thiết kế mẫu khẩu trang dành cho những người điếc, người khiếm thính và một số đối tượng khác trong dịch COVID-19 - Ảnh: BBC

 

Theo Đài BBC (Anh), không ai thấu hiểu nỗi khổ này như bà Fizz Izagaren, một bác sĩ nhi khoa tại Anh bị điếc từ năm 2 tuổi.

 

"Tôi có thể nghe một hai từ nhưng rất ngẫu nhiên và chẳng hiểu gì... Khi ai đó đeo khẩu trang, tôi không thể đọc khẩu hình và cũng không thể quan sát được những biểu hiện cảm xúc trên gương mặt họ, tôi mất tất cả những căn cứ cơ bản để có thể hiểu họ", bà Fizz Izagaren chia sẻ với Đài BBC.

 

Những khó khăn cụ thể này không chỉ của riêng bà Fizz Izagaren mà còn là nỗi khổ chung của khoảng 466 triệu người bị khiếm thính trên toàn cầu theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) trong dịch COVID-19.

 

Nhận ra những khó khăn đó, các tổ chức từ thiện và các nhà sản xuất đã tìm kiếm giải pháp. Một trong số đó là Main dans la Main (Hand in Hand - Tay trong tay), tổ chức chuyên giúp đỡ người điếc và người khiếm thính ở miền bắc nước Pháp.

 

Tổ chức này đã tạo ra loại khẩu trang có "cửa sổ" trong suốt, giúp vừa đảm bảo ngăn giọt bắn, vừa giúp người đối diện quan sát được nét mặt cũng như khẩu hình khi nói.

 

Khẩu trang ‘xuyên thấu’ dành cho người khiếm thính - Ảnh 2.

Phần màng chắn trong suốt của khẩu trang có thể tháo rời ra vệ sinh riêng trong khi giặt phần vải - Ảnh: BBC

  

Nhà sáng lập Main dans la Main, bà Kelly Morellon, đã cùng mẹ, bà Sylvie, nghĩ ra mẫu thiết kế khẩu trang giúp che được mũi nhưng vẫn cho thấy phần miệng của người đeo. Khẩu trang này cũng có thể được giặt ở nhiệt độ cao để diệt khuẩn.

 

"Mục đích cơ bản của loại khẩu trang trong suốt này là giúp những người điếc và người khiếm thính có thể đọc được khẩu hình khi nói chuyện", bà Kelly nói.

 

"Và nó cũng rất hữu dụng cho những người bị tự kỷ, những người mắc chứng khó học và một số trẻ em có thể sợ khẩu trang hay cần phải quan sát nét mặt người khác", bà nói thêm. 

 

"Trong mọi trường hợp, một chiếc khẩu trang xuyên thấu như vậy sẽ giúp bạn nhìn thấy nụ cười của người khác và ở thời điểm đáng buồn này, điều này có lẽ cũng quan trọng hơn", bà Kelly giải thích.

 

Nguồn: tuoitre.vn

 

Tin trong và ngoài nước liên quan

NGÀY QUỐC TẾ NGƯỜI KHUYẾT TẬT 03/12
CHÀO MỪNG NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM (20/11/1982 - 20/11/2021)

Bài đọc nhiều nhất

Thông báo

Video Clip