GIÁO DỤC HỌC SINH KHUYẾT TẬT HÒA NHẬP CỘNG ĐỒNG
Phải yêu nghề lắm mới trụ được
Trong giờ học thực hành cắt may của học sinh Trường Tương Lai (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ), cô giáo chỉ dẫn tận tình, động viên trò cố gắng vượt qua những trở ngại để hoàn thành bài học. Với học sinh, tuy động tác chưa linh hoạt nhưng mỗi em đều cố gắng thực hiện các công đoạn cho đến khi có được sản phẩm (đế lót nồi, nhắc nồi, khẩu trang, bao tay). Những giọt mồ hôi lăn dài nhưng các em hạnh phúc cười tươi, khoe thành phẩm.
Em Huỳnh Duy Linh vui vẻ nói: “Nhờ được cô chỉ dẫn mà em cắt, may và làm được bộ nhắc nồi, đế lót nồi hoàn chỉnh”. Đó là hình ảnh mà chúng tôi nhớ mãi ở lớp Thêu - may, một trong các lớp hướng nghiệp dành cho học sinh dạng nhẹ của Trường Tương Lai. Theo cô Huỳnh Thị Hằng Em, Phó Hiệu trưởng nhà trường, những học sinh mới, dạng nặng, giáo viên phải dạy cho các em từng động tác đơn giản nhất. Với những sinh hoạt thường ngày như chải tóc, cài nút áo mà có em phải mất hằng tuần đến vài tháng mới làm được.
Trường Tương Lai hiện có 161 học sinh từ 6 đến 25 tuổi học ở 15 lớp, trong đó có 135 em khuyết tật trí tuệ, còn lại là khuyết tật vận động, thần kinh và khuyết tật khác. Bên cạnh chương trình giáo dục chuyên biệt, nhà trường còn có các hoạt động rèn luyện kỹ năng tự phục vụ, giáo dục định hướng nghề nghiệp. Ở lớp hướng nghiệp Thêu - may, học kỳ I năm học 2018 - 2019, học sinh đã làm được 110 sản phẩm các loại. Qua đánh giá xếp loại, có 4 em hoàn thành, 3 em cần rèn luyện.
Lớp hướng nghiệp Tiểu thủ công, học sinh làm được 68 sản phẩm các loại; đánh giá cuối học kỳ có 3 em hoàn thành, 2 em cần rèn luyện thêm. Những con số đạt được tuy khiêm tốn nhưng đó là nỗ lực của 26 thầy cô và học sinh nhà trường. Theo cô Trần Thị Phương Ánh, Hiệu trưởng Trường Tương Lai, các giáo viên tập trung dạy học sinh kỹ năng tự phục vụ, chăm sóc bản thân để khi ra trường các em không là gánh nặng cho gia đình và có thể phụ giúp phần nào việc nhà.
Việc dạy và học của thầy trò Trường Dạy trẻ Khuyết tật Cần Thơ (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) cũng đòi hỏi sự kiên nhẫn, nỗ lực, tình thương và trách nhiệm như vậy. Mỗi lớp học chỉ có 5 - 10 học sinh nhưng giáo viên phải mất rất nhiều thời gian để có thể giúp các em hiểu, nhớ. Có lớp khiếm thính, chỉ một từ mà có khi cô trò phải lặp lại hàng tiếng đồng hồ, học sinh mới “nói” được, mới “viết” được.Thầy Trần Lê Duy Khiêm, Hiệu trưởng Trường Dạy trẻ khuyết tật Cần Thơ, cho biết: “Phải thực sự yêu nghề, thương trò mới có thể bám trụ lâu dài ở trường”.
Hiện trường có 41 nhân sự, với 112 học sinh ở 20 lớp, gồm: khiếm thính, khiếm thị và lớp nghề. Ngoài công tác chuyên môn, trường còn có các hoạt động năng khiếu, hướng nghiệp dạy học sinh một số nghề cơ bản (may, thêu, thủ công, mỹ nghệ…). Nhờ vậy, thời gian qua, học sinh của trường đã làm ra nhiều sản phẩm có thể tham gia thị trường. Ngoài ra, trường còn có thêm nhiệm vụ can thiệp sớm và giáo dục hòa nhập, hiện có 38 học sinh đang học tại các trường mẫu giáo, tiểu học và THCS trong thành phố.
Mục tiêu chính của Trường Dạy trẻ Khuyết tật Cần Thơ là thông qua dạy chữ để dạy người, dạy nghề, phục hồi chức năng, can thiệp sớm và giúp học sinh hòa nhập cộng đồng. Nắm vững mục tiêu trên, nhà trường đã cố gắng thực hiện, hoàn thành chức năng và nhiệm vụ của một ngôi trường chuyên biệt. Cụ thể, trường đảm nhận chức năng chăm sóc, nuôi dưỡng, dạy văn hóa, dạy nghề, phục hồi chức năng và can thiệp sớm cho học sinh khiếm thị và khiếm thính. Trường có 2 khu nội trú nam và nữ riêng biệt, các cô chăm sóc trực 24/24 nhằm hướng dẫn, giúp đỡ, chăm sóc cho các em học sinh như giặt giũ, tắm rửa, ngủ nghỉ, lao động, vệ sinh…
Giáo viên, HS Trường Dạy trẻ Khuyết tật Cần Thơ trong ngày khai giảng năm học mới
Cần quan tâm hơn
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Cần Thơ, thành phố hiện có trên 281.400 trẻ em, trong đó, hơn 4.850 trẻ em khuyết tật, khuyết tật nặng, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ngoài cộng đồng và tập trung tại cơ sở bảo trợ, tôn giáo. Trường Tương Lai và Trường Dạy trẻ Khuyết tật Cần Thơ là hai trong số các cơ sở giáo dục đóng vai trò rất quan trọng trong việc chăm sóc trẻ đặc biệt khó khăn, khuyết tật.
Tuy nhiên, hoạt động ở hai trường vẫn còn nhiều khó khăn. Kinh phí hoạt động hạn chế, thiếu nhân sự, việc tuyển dụng giáo viên có trình độ chuyên môn còn khó khăn. Trường Dạy trẻ khuyết tật Cần Thơ năm 2018 được giao biên chế chỉ có 3 nhân viên chăm sóc, cấp dưỡng, y tế, trong khi phải cần 10 người mới đảm đương nổi. Trường Tương Lai thì thiếu nhân sự khối hành chánh.
Bên cạnh đó, công tác vận động học sinh ra lớp còn gặp nhiều khó khăn, học sinh có độ tuổi và khả năng giao tiếp không đồng đều. Nhiều em trong độ tuổi đang lớn, thiếu sự quan tâm, gần gũi của gia đình dẫn đến tâm lý không ổn định. Những hạn chế trên được lãnh đạo thành phố chỉ đạo các đơn vị hữu quan, có biện pháp xử lý hiệu quả, phù hợp. Song điểm nghẽn khiến nhiều người làm công tác giáo dục, chăm sóc trẻ băn khoăn, là làm sao giúp trẻ hòa nhập cộng đồng bền vững. Bởi có trường hợp được giáo dục tốt, nhưng sau khi ra trường lại khó hòa nhập cộng đồng.
Theo lãnh đạo Trường Tương Lai, quy mô của trường có hạn nên với những học viên trên 25 tuổi, sẽ phải ra trường về với gia đình. Tuy nhiên qua khảo sát, họ rất khó hòa nhập vì chưa có cơ sở để làm việc, mưu sinh. Với Trường Dạy trẻ khuyết tật Cần Thơ, học sinh có khả năng làm các sản phẩm thủ công mỹ nghệ để bán ra thị trường sau khi ra trường, nhưng lại rất khó khăn. Thầy Trần Lê Duy Khiêm, Hiệu trưởng nhà trường, đề xuất: “Thành phố xem xét hỗ trợ trường thực hiện đề án phát triển thành Trung tâm Giáo dục hòa nhập. Ngoài việc giáo dục, chăm sóc trẻ chuyên biệt, Trung tâm còn mở rộng thêm hoạt động dạy nghề, cung cấp các sản phẩm thị trường để học sinh tự tin, hòa nhập cộng đồng một cách hiệu quả”.
Nguồn: giaoducthoidai.vn