Khó khăn và nhu cầu của học sinh khiếm thính học chuyên biệt và hòa nhập

Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Người Khiếm thính (Trung tâm Khiếm thính CED) là tổ chức xã hội đầu tiên và duy nhất hiện thời tại Việt Nam do người Khiếm thính thành lập và phục vụ vì người khiếm thính, với tầm nhìn “Trở thành trung tâm phát triển năng lực người khiếm thính hàng đầu Việt Nam”. Qua thực trạng giáo dục Người Điếc Việt Nam hiện nay “đã có trên 100 năm nhưng chỉ dừng lại ở bậc Trung học cơ sở”, một câu hỏi cứ ray rức người làm công tác chuyên môn “tại sao???”
 Vào năm 2012, dưới sự tài trợ của Tổ chức Giáo dục vì Sự Phát Triển (Education for Development-EFD), Trung tâm Khiếm thính CED đã thực hiện dự án “Tạo điều kiện giúp trẻ khiếm thính phát triển toàn diện” qua khảo sát “Khó khăn và Nhu cầu của học sinh khiếm thính học chuyên biệt và hòa nhập” tại nội thành Tp.HCM và một số vùng ngoại thành.
 
Nhằm chia sẻ dữ liệu thu thập được cũng như tạo cơ hội để giáo viên, phụ huynh và các ban ngành liên quan được gặo gỡ trực tiếp trao đổi kinh nghiệm về các dịch vụ phù hợp cho các học sinh khiếm thính, Trung tâm Khiếm thính CED đã tổ chức buổi hội thảo báo cáo kết quả khảo sát “Tìm hiểu khó khăn và nhu cầu của học sinh khiếm thính học chuyên biệt và hòa nhập” tại Hệ thống Trường Mầm Non Quốc Tế Sài Gòn Academy, 27AB, Trần Nhật Duật, Phường Tân Định, Quận 1, Tp.HCM vào lúc 8h30, thứ bảy ngày 22/12/2012. Buổi hội thảo có sự hiện diện của Ông Võ Minh Hoàng đại diện Sở Lao động Thương binh và Xã hội, bà Hanna Smokcum - Điều phối viên Việt Nam của tổ chức EFD; Ông Trần Quang Đức, Giám đốc Công ty TNHH Dịch Vụ Trợ Thính Quang Đức; Bà Nguyễn Thị Liên Khương, hiệu trưởng Trường mầm non quốc tế Sài Gòn Academy, quý phóng viên đến từ nhiều tòa soạn, quý thầy cô đại diện các trường chuyên biệt, hòa nhập, quý phụ huynh trẻ khiếm thính, các bạn khiếm thính trong Câu lạc bộ khiếm thính tp. Hồ Chí Minh cùng với các bạn sinh viên công tác xã hội, giáo dục đặc biệt đến từ nhiều trường đại học khác nhau.

Khai mạc chương trình là vở kịch “3 chú dê” do các bạn sinh viên ngành Công tác xã hội trường Đại học Mở Tp. Hồ Chí Minh thể hiện. Câu chuyện giản dị mang tính giáo dục cao về tình bè bạn, tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau lúc hoạn nạn, khó khăn. Tuy nhiên, người khiếm thính có hiểu hết được nội dung mà câu chuyện truyền tải? Một câu hỏi mở dành cho tất cả mọi người, phần mở đầu để lại nhiều ấn tượng và suy nghĩ. 
 



 
Sau phần tuyên bố lý do buổi lễ, Bà Dương Phương Hạnh – Giám đốc Trung tâm CED đặt vấn đề: “Cả thế giới có 371 triệu người khiếm thính (Theo số liệu của Tổ Chúc Y Tế Thế Giới-WHO), Việt Nam số người khiếm thính đã tiến dần đến ngưỡng 2,6 triệu người khiếm thính (Số liệu của Tổng cục Thống kê dân số năm 2009 là 2,5 triệu người). Vấn đề đặt ra là việc giáo dục cho người khiếm thính ở Việt Nam đã có trên 100 năm rồi, tại sao vẫn chỉ dừng ở mức độ Trung học cơ sở? Có một nhóm nhỏ các em bắt đầu học trung học phổ thông từ năm 2000 đến năm 2012 vẫn chỉ có hơn 10 em tốt nghiệp Cao đẳng. Tại sao người khiếm thính Việt Nam không thể học cao được, trong khi ở nước ngoài lại có nhiều người khiếm thính đã đạt học vị Tiến sỹ và làm rất nhiều ngành nghề khác nhau như Luật sư, Bác sỹ, Giáo sư đại học, Kỹ sư, Kiến trúc sư, nhà kinh doanh, v.v… Chúng ta vẫn chưa có câu trả lời cho câu hỏi này. 
 

 
Những khó khăn mà các em học sinh học chuyên biệt và hòa nhập gặp phải qua cuộc khảo sát là về tâm lý, giao tiếp, học tập, thiếu kĩ năng sống, nhận thức, ngôn ngữ, quan hệ xã hội và định hướng nghề nghiệp. Theo kết quả khảo sát, nguyên nhân của những khó khăn mà các em gặp phải là do hạn chế về giao tiếp, giáo viên không hiểu tâm lý học sinh, năng lực học sinh yếu, sự nỗ lực của học sinh kém, giáo viên thiếu kinh nghiệm dạy khiếm thính, thiếu sự cộng tác của gia đình…Vậy giải pháp như thế nào? Câu hỏi này đã làm cho buổi hội thảo bỗng trở nên sôi nổi hẳn lên. Có rất nhiều ý kiến từ các tổ chức, thầy cô các trường và phụ huynh trẻ khiếm thính, điển hình như cần có sự phối hợp từ gia đình, nhà trường; thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp; nâng cao kĩ năng cho bản thân trẻ, phụ huynh, truyền thông về khuyết tật. Với câu hỏi trong phiếu khảo sát “Có thể khắc phục những khó khăn do khuyết tật của học sinh?” đa số các giáo viên và phụ huynh đều trả lời được với các biện pháp như: Phát hiện và can thiệp sớm và có phương pháp phù hợp, đeo máy trợ thính sớm, phù hợp, hỗ trợ bằng các phương tiện khác nhau, khuyến khích các em thích học, thích đọc sách và nỗ lực, phụ huynh quan tâm nhiều hơn, giáo viên trò chuyện nhiều, hiểu tâm lý học sinh, học NNKH, đẩy mạnh việc giao tiếp, hòa nhập (giao lưu …), hợp tác nhà trường, phụ huynh, xã hội, dạy kỹ năng sống… Tiếp theo chương trình là “Trò chơi tư duy” với câu hỏi “ Nhìn quả bóng bạn nghĩ gì?” đã tạo được sự hứng khởi cho tất cả mọi người, ai cũng nhiệt tình nói ra suy nghĩ của mình: màu đỏ, tròn, địa cầu, thể thao, ngôi sao, trái dừa, sự hoàn hảo…con người rất sáng tạo và luôn nghĩ ra những ý tưởng mới mẽ đến bất ngờ. Trò chơi tư duy này được giải đáp qua lời chia sẻ chân tình của bà Hạnh “Chính nhờ luyện tư duy theo cách này, dù không thể nghe được với máy trợ thính, bà vẫn giao tiếp qua đọc hình môi, tự học và nỗ lực để có thể làm việc được.”
 
 
Phần cuối chương trình là giải pháp từ CED qua các hoạt động CED đã, đang và sẽ làm. Theo Bà Hạnh: Giáo dục trẻ khiếm thính sẽ thành công khi có sự hợp tác từ tất cả các ban ngành liên quan, phải cung cấp cho học sinh môi trường tiếp cận tối thiểu, phải dạy cho trẻ kỹ năng tư duy và trên hết dạy cho trẻ biết nỗ lực. Việc tiếp cận được máy trợ thính khi trẻ còn rất bé, kể cả trẻ nghèo, nên được quan tâm, đó cũng là lý do tại sao CED đã thành lập Quỹ máy trợ thính và tặng trên 40 máy cho trẻ nghèo. CED đang cố gắng hợp tác với nhiều tổ chức chuyên môn để giúp học sinh khiếm thính và phụ huynh tiếp cận được tài liệu sách báo về lĩnh vực khiếm thính cũng như các công cụ hỗ trợ nghe tốt hơn như phần mềm chuyển đổi văn bản thành ngôn ngữ ký hiệu (Text-to-Sign language), dịch vụ chuyển lời nói thành văn bản (Speech-to-text). Đặt biệt, CED đang đầu tư cho dịch vụ người hỗ trợ ghi chép (Note-taker), người dịch lời nói (spoken interpreter) qua đào tạo kỹ năng cho các em sinh viên giáo dục đặc biệt, công tác xã hội. Tất cả các phương tiện trên nhằm hỗ trợ thêm khi các em có máy trợ thính, phòng học cách âm, có hệ thống FM …

Bà Hạnh cũng diễn giải về việc dạy trẻ nỗ lực. Trẻ, khi hiểu rõ về những khó khăn của bản thân, biết mình là ai, mình phải làm gì, mình cần những công cụ gì để thực hiện công việc, biết nói ra suy nghĩ và chính kiến (Advocacy), và đặc biệt có cơ hội tự ra quyết định (Empowerment) … các em sẽ có cơ hội nỗ lực, biết cách nỗ lực, và mong muốn nỗ lực. Theo dòng thời gian, trẻ trưởng thành, học cao hơn, các em cần được xây dựng năng lực (Capacity building) để ứng phó với mọi tình huống trong cuộc sống cho dù bị mất thính lực. Khi đó, các em có thể tiếp cận bất cứ môi trường sống nào, thành công trong việc học, hòa nhập xã hội thật sự và trọn vẹn.

Thông qua hội thảo, Trung tâm CED giới thiệu sách dịch “Sống với mất thính lực (Kỹ năng đọc tín hiệu môi)” dành cho học sinh, sinh viên khiếm thính học hòa nhập. Ý kiến thu nhận từ khảo sát và hội thảo sẽ dùng cho việc xuất bản “Cẩm nang hỗ trợ học sinh khiếm thính học chuyên biệt và hòa nhập”. Bế mạc chương trình là phần tặng quà cho các nhà tài trợ và lời cám ơn quý đại biểu và tình nguyện viên của bà Dương Phương Hạnh. 

Buổi hội thảo đã nhận được những ý kiến rất chân thành từ các tổ chức, quý thầy cô và các phụ huynh cũng như đã tạo điều kiện cho các phụ huynh có dịp tiếp xúc với lãnh đạo các tổ chức xã hội, quý thầy cô các trường để bày tỏ ý kiến và học hỏi thêm kinh nghiệm.



 

Chương trình thành công tốt đẹp và kết thúc lúc 11h30 cùng ngày.

 

Nguồn tin: Trung Tâm Nghiên Cứu Giáo Dục Người Khiếm Thính (CED)

Tin hoạt động CED liên quan

HỌC MỸ THUẬT: VẼ TRANH TRỪU TƯỢNG

Bài đọc nhiều nhất

Thông báo

Video Clip