Chấp nhận sự khác biệt

Tạo hóa ban tặng cho con người năm giác quan. Ai may mắn thì có thể tận hưởng cuộc sống với đầy đủ các giác quan. Ai không may thiếu một hoặc nhiều giác quan thì vẫn có thể sống một cuộc đời bình an bằng chính sự nỗ lực của bản thân. Hạnh phúc sẽ đến với những ai biết thưởng thức cuộc sống theo cách riêng của mình. Để có thể hưởng thụ từng giây phút tươi đẹp của cuộc sống, chúng ta có thể chấp nhận sự khác biệt về khuyết tật bởi lẽ không có cách nào thay đổi việc mất thính lực, nhưng chấp nhận với thái độ tích cực “Tôi không nghe được, nhưng tôi có thể nghe tốt hơn với sự trợ giúp của những người xung quanh”.

Nhằm giúp các bạn nghe kém khám phá ra giá trị của bản thân, thay đổi nhận thức về khuyết tật, trang bị thêm những kỹ năng sống, Câu Lạc Bộ Khiếm thính Tp.HCM đã tổ chức buổi tập huấn với chủ đề “Chấp nhận sự khác biệt” do Cô Dương Phương Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Người Khiếm thính kiêm Chủ tịch Câu Lạc Bộ Khiếm thính Tp.HCM tập huấn.

“Khác biệt” là từ diễn tả điểm khác nhau giữa một người khiếm thính có hay không có sự hỗ trợ của máy trợ thính và người nghe bình thường, giữa một thế giới không âm thanh và đa âm thanh. Ước mơ của người Khiếm thính là được sống trong thế giới tràn ngập âm thanh bình dị trong cuộc sống, thế nhưng họ không thể…và “chấp nhận những gì không thể thay đổi”. Dĩ nhiên là có một số người khiếm thính nghe tốt bằng máy trợ thính, cũng như với đà phát triển của khoa học kỹ thuật trong tương lai, người khiếm thính sẽ có nhiều máy trợ thính tốt hỗ trợ cho việc nghe … nhưng suy nghĩ tích cực này vẫn không thừa và nó giúp tạo động lực cho người Khiếm thính trong quá trình sống và học tập đầy khó khăn thử thách.

Mỗi người đều có mặt mạnh, yếu khác nhau. Khiếm thính cần nhận ra mặt mạnh của mình để bù đắp phần thiệt thòi. Điểm mạnh, nếu biết cách phát huy, sẽ giúp chúng ta tập trung sức lực, trí tuệ để làm những gì mình muốn. “Hãy cố gắng phấn đấu với những gì có thể thay đổi” là thông điệp thứ hai của buổi tập huấn này.

Cuộc sống luôn có hai mặt, sự khác biệt cũng vậy, đó là “có thể” và “không thể”. Giữa “có thể” và “không thể” là một khoảng cách vô hình. Điều quan trọng là chúng ta đủ thông minh để nhận ra sự khác biệt ấy hay không. “Hãy đủ sáng suốt để nhận biết điều gì có thể thay đổi và những điều gì không thể thay đổi” và là thông điệp cuối cùng mang ý nghĩa sâu sắc.

Cuộc sống là con đường ngoằn ngèo. Ai đủ nghị lực vượt qua số phận bản thân, luôn phấn đấu để tiến về phía trước thì sẽ có mặt ở cuối con đường đầy chông gai và thử thách ấy. Và cuộc sống sẽ “đơm hoa, kết trái” nếu chúng ta biết chấp nhận sự khác biệt, biết thay đổi những gì có thể thay đổi và xác định được đâu là điều có và không thể. Đó cũng là lời nhắn nhủ chân thành đối với Khiếm thính chúng ta. “Khi bạn bị Điếc không có nghĩa là thành công bị giới hạn”./.
 
 

Nguồn tin: Trung Tâm Nghiên Cứu Giáo Dục Người Khiếm Thính (CED)

Tin hoạt động CED liên quan

HỌC MỸ THUẬT: VẼ ĐỘNG VẬT, HÀNH ĐỘNG VÀ NƠI Ở
LỄ HỘI GIÁNG SINH 2024
HỌC MỸ THUẬT: KHÁM PHÁ NGHỆ THUẬT VẼ NÉT LIỀN
HỌC MỸ THUẬT: SÁNG TẠO CÂY THÔNG NOEL
HỌC MỸ THUẬT: VẼ TỰ DO

Bài đọc nhiều nhất

Thông báo

Video Clip