KỶ NIỆM NGÀY BẢO HIỂM Y TẾ VIỆT NAM 01/07/2022 “BẢO HIỂM Y TẾ - VÌ SỨC KHỎE, HẠNH PHÚC MỌI GIA ĐÌNH”.
Theo thống kê của BHXH Việt Nam đến cuối năm 2021, số người tham gia bảo hiểm y tế hơn 88,8 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 91,01% dân số.
Năm 2022, hưởng ứng ngày BHYT Việt Nam với chủ đề: "Bảo hiểm y tế - vì sức khỏe, hạnh phúc mọi gia đình", toàn xã hội hãy chung tay xây dựng, phát triển BHYT vì sức khỏe toàn dân và tham gia BHYT là trách nhiệm và quyền lợi của mỗi người, mỗi gia đình, mỗi tổ chức và của cả cộng đồng.
Chính sách BHYT đã góp phần giảm gánh nặng về kinh tế hộ gia đình cho dịch vụ y tế, góp phần tạo nên sự công bằng trong chăm sóc sức khỏe, đặc biệt đối với nhóm người yếu thế trong xã hội như người nghèo, người khuyết tật, người thuộc đối tượng bảo trợ xã hội, trẻ em dưới 6 tuổi.
Đối với Người khuyết tật, theo Khoản 2 Điều 22 của Luật Người khuyết tật 2010 quy định Người khuyết tật được hưởng chính sách BHYT theo quy định của pháp luật về BHYT. Người khuyết tật nặng, người khuyết tật đặc biệt nặng theo quy định pháp luật về người khuyết tật là một trong các đối tượng bảo trợ xã hội được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng (Điều 5 Nghị định 20/2020/NĐ-CP) và thuộc nhóm đối tượng tham gia BHYT miễn phí. (Điểm g, Khoản 3 Điều 12 Luật BHYT 2014 sửa đổi, bổ sung một số điều Luật BHYT 2008).
Tuy nhiên hiện nay, người khuyết tật vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình thăm, khám chữa bệnh tại các bệnh viện và tiếp cận, sử dụng BHYT, đặc biệt là những người khuyết tật nghe, nói hay còn gọi là người khiếm thính gồm: người Điếc (Deaf), người nghe kém (Hard of Hearing) và người bị mất thính muộn/đột ngột (Deafened).
Năm 2021, Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Người Khiếm thính (CED) đã thực hiện dự áncác hoạt động Ttrong khuôn khổ dự án "Thúc đẩy việc hỗ trợ Pháp lý ban đầu và Thực thi Chính sách thăm khám, chữa bệnh cho Người khiếm thính (Điếc, Nghe kém, Mất thính lực muộn)” do Liên minh Châu Âu, thông qua Quỹ JIFF và tổ chức Oxfam tài trợ. CED đã và đang tiếp tục đóng góp ý kiến cho việc thực thi chính sách hỗ trợ người khiếm thính thăm khám, chữa bệnh tại bệnh viện ngày càng tốt hơn, góp phần vào việc hoàn thành mục tiêu đạt tỷ lệ bao phủ BHYT toàn quốc trong năm 2022 là 92,6%. với các khuyến nghị sau:
- Khuyến nghị phổ biến chương trình tầm soát thính lực cho trẻ sơ sinh, tăng cường việc phát hiện sớm, can thiệp sớm và đeo máy trợ thính sớm.
- Khuyến nghị đưa máy trợ thính và ốc tai điện tử vào danh mục hàng hóa được tính Bảo Hiểm Y Tế.
- Khuyến nghị các bệnh viện tại Việt Nam có phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu hỗ trợ bệnh nhân người Điếc/Nghe kém.
- Khuyến nghị bổ sung các cách hỗ trợ người khiếm thính (Điếc, Nghe kém, Mất thính lực muộn) thăm khám, chữa bệnh tại bệnh viện.
…
Nhân dịp Kỷ niệm Ngày Bảo Hiểm Y Tế Việt Nam 2022, Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Người Khiếm thính (CED) kính chúc toàn thể Ban lãnh đạo, Cán bộ, Công nhân viên đang công tác trong lĩnh vực Bảo Hiểm Xã Hội, Bảo Hiểm Y Tế Việt Nam lời chúc sức khoẻ, hạnh phúc và thành công!
---
Video: Những khó khăn của người khiếm thính (Điếc, Nghe kém, Mất thính lực muộn) khi đi thăm, khám chữa bệnh và tiếp cận pháp lý ban đầu. (Link Youtube: https://www.youtube.com/watch?v=X5j-rB4r-os)
Nguồn tham khảo:
- Bảo Hiểm Xã Hội Việt Nam: https://baohiemxahoi.gov.vn/tintuc/Pages/linh-vuc-bao-hiem-y-te.aspx?CateID=0&ItemID=18722&OtItem=date
- Quy định về Bảo Hiểm Y Tế đối với người khuyết tật: https://luatminhkhue.vn/quy-dinh-ve-bao-hiem-y-te-doi-voi-nguoi-khuyet-tat.aspx
- Báo cáo “Tầm quan trọng của bảo hiểm y tế đối với người khuyết tật nhẹ”, trường hợp được nghiên cứu tại TP.HCM và Quảng Bình, do Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển năng lực người khuyết tật (DRD), 2020 - 2021.
- Báo cáo “kết quả khảo sát “Đánh giá khả năng đáp ứng nhu cầu bệnh nhân khiếm thính: Khảo sát trường hợp Bộ Tiêu Chí Chất Lượng Bệnh Viện Việt Nam”, trường hợp được nghiên cứu tại TP.HCM, do Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Người Khiếm thính (CED), 2020 – 2021.