HỘI THẢO GÓP Ý XÂY DỰNG CHÍNH SÁCH
Sáng thứ năm ngày 09/12/2021, Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Người Khiếm Thính (CED) đã tổ chức hội thảo trực tuyến góp ý chính sách hỗ trợ người khiếm thính (điếc, nghe kém, mất thính lực muộn) thăm khám chữa bệnh ở bệnh viện. Tham dự hội thảo có gần 60 người, gồm NGND TS. Đặng Huỳnh Mai - nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo Dục Đào Tạo , Chủ Tịch Liên Hiệp Hội Người Khuyết Tật Việt Nam (VFD), Bà Nguyễn Thị Hồng Vân - đại diện nhà tài trợ Quỹ JIFF - Oxfam Vietnam, đại diện Sở Y Tế, Sở Khoa Học Công Nghệ TPHCM, đại diện UBND Phường 15 Quận Phú Nhuận, các bác sĩ, các thầy cô trường chuyên biệt, người khiếm thính và phụ huynh.
Buổi hội thảo bắt đầu với phần giới thiệu về CED của Cô Tô Thị Bích Phương - Phó Giám Đốc, và Cô Triệu Thúy Mi, quản lý dự án giới thiệu về dự án “Thúc đẩy việc hỗ trợ pháp lý ban đầu và thực thi chính sách thăm khám, chữa bệnh cho người khiếm thính (Điếc, Nghe kém, Mất thính lực muộn)”, do Liên minh Châu Âu, thông qua Tổ chức JIFF-Oxfam tài trợ. Sau đó, Cô Dương Phương Hạnh, Giám Đốc CED, đã trình bày các nội dung chính của Kết quả khảo sát.
Tại phiên tham luận thứ nhất, dưới sự điều phối của ThS Nguyễn Thế Cường, 10 kiến nghị đúc kết từ hội thảo báo cáo kết quả ngày 14/11/2021 đã được đưa ra thảo luận và thống nhất thông qua.
Kiến nghị liên quan tới Bộ Tiêu Chí (BTC)
1./ BTC cần chuyển Chỉ số 10 và 11, mức 5 của Tiêu chí A2.5 cần được sang mức 2 hoặc mức 3.
2./ BTC cần được bổ sung thêm cách thức hỗ trợ phù hợp cho từng dạng khuyết tật NGHE qua giao tiếp dùng ngôn ngữ ký hiệu (NNKH); nói nghe qua đọc tín hiệu môi; viết ra giấy; hình ảnh; video clip; cử chỉ điệu bộ; ...
3./ BTC cần bổ sung biểu tượng nhận diện người khiếm thính (NKTh) ở bệnh viện.
Kiến nghị liên quan tới phiên dịch NNKH/NNKH
4./ Cần có chương trình đào tạo phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu chính quy và chính sách cho người phiên dịch NNKH.
5./ Phổ cập NNKH: các trường học dạy NNKH cho học sinh và sinh viên.
Kiến nghị liên quan tới kỹ năng hỗ trợ NKTh ở bệnh viện
6./ Đưa chuyên đề đào tạo “Kỹ năng hỗ trợ người khiếm thính ở bệnh viện” vào chương trình đào tạo Cử nhân các ngành Công tác xã hội, Y tế Cộng đồng.
7./ Chuyên viên của Bộ Y tế và Sở Y tế TP.HCM cần xây dựng chương trình đào tạo kỹ năng đáp ứng chuẩn đánh giá chất lượng bệnh viện cả về thời gian và chất lượng đào tạo.
Kiến nghị liên quan tới hỗ trợ giao tiếp cho NKTh
8./ Máy trợ thính, ốc tai điện tử được đưa vào danh mục hàng hóa tính bảo hiểm y tế.
9./ Cần có phụ đề ngôn ngữ ký hiệu và phụ đề tiếng Việt trên tất cả các kênh truyền hình thuộc trung ương và TP.HCM.
10./ Phổ biến chương trình tầm soát thính lực cho trẻ sơ sinh, tăng cường việc phát hiện sớm, can thiệp sớm và đeo máy trợ thính sớm.
Tại phiên tham luận thứ hai, NGND TS. Đặng Huỳnh Mai - nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo Dục Đào Tạo, Chủ Tịch Liên Hiệp Hội Người Khuyết Tật Việt Nam (VFD) đã có đôi lời chia sẻ về kiến nghị. Luật sư Nguyễn Thị Xuân Hương - Giám Đốc Trung Tâm Tư Vấn Pháp Luật cho Người Nghèo Việt Nam tại TPHCM trình bày về hoạt động truyền thông pháp luật của dự án. Ông Hứa Thanh Long - đại diện UBND Phường 15, Quận Phú Nhuận, trình bày về thủ tục cấp giấy chứng nhận khuyết tật. Phiên tham luận được tiếp tục với phần thảo luận sôi động và giải đáp thắc mắc về các thủ tục pháp lý hỗ trợ người khuyết tật.
CED chân thành cảm ơn những chia sẻ và ý kiến đóng góp quý báu của tất cả Quý Đại Biểu, Quý khách . Sau buổi hội thảo góp ý chính sách này, CED sẽ chắt lọc lại các kiến nghị để trình lên các Cơ quan có thẩm quyền và Quốc hội với mong muốn những kiến nghị sẽ được thực thi, giúp tăng thêm cơ hội hòa nhập cộng đồng cho người khiếm thính.