Làm sao để trẻ khiếm thính tự tin hòa nhập cộng đồng?

Ngày 25-2, tại Thư viện Khoa học Tổng hợp TP.HCM, Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Người Khiếm thính (CED) cùng Quỹ Thúc đẩy Sáng kiến Tư pháp (JIFF) tổ chức hội thảo “Để Người khiếm thính được lắng nghe” với chủ đề “Con ơi! Ba mẹ thương con lắm!”. 

Tại đây, các phụ huynh đã có những chia sẻ phương pháp nuôi dưỡng và giáo dục con em khiếm thính.

Theo Phó Giám đốc CED Tô Thị Bích Phương, chính tình yêu thương của gia đình, ba mẹ sẽ giúp người khiếm thính có được động lực để sống, học tập và hòa nhập cộng đồng.

"Phụ huynh không thể lúc nào cũng đồng hành mãi với con em. Do đó phải để người khiếm thính và cộng đồng có sự gắn kết, thấu hiểu thì hòa nhập xã hội của người khiếm thính mới thật sự trọn vẹn"- bà Phương nói.

Theo bà Phương, Dự án “Để Người Khiếm thính được lắng nghe” có chuỗi sáu hội thảo và đã tổ chức thành công hai hội thảo. 

“Với chuỗi sáu hội thảo với các chủ đề riêng sẽ khơi gợi năng lực và nhu cầu được lắng nghe của những người khiếm thính từ chính người trong cuộc là gia đình, giáo viên và những ai đang làm công tác hỗ trợ người khiếm thính”- bà Phương cho biết.

***

Có con 14 tuổi là trẻ khiếm thính bẩm sinh, ông Huỳnh Trung Kiên cho biết, sau hơn sáu tháng chào đời, biết con mất khả năng nghe bình thường tuy nhiên vợ chồng ông vẫn quyết tâm đem âm thanh trở lại với con bằng cách tìm nhiều biện pháp hỗ trợ. 

“Khi được 10 tháng thì con sử dụng máy trợ thính. Ngày con phản ứng với âm thanh, có lẽ là ngày vợ chồng tôi cảm thấy ánh sáng hi vọng cho con hòa nhập với cuộc sống bình thường"- ông Kiên xúc động.

Sau khi tìm được thông tin về máy cấy ốc tai giúp con có thể nghe được tốt hơn, gia đình ông Kiên đã quyết tâm vay mượn để con được cấy. 

“Con bé đã rất mạnh mẽ, vượt qua tất cả để ngày hôm nay có thể hòa nhập với các bạn bình thường. Ba mẹ được nghe con hát, con kể chuyện mỗi ngày. Hạnh phúc với ba mẹ chỉ cần như vậy thôi. Được nhìn con sống vui vẻ, hoạt bát, cảm nhận được cuộc sống muôn màu”- ông Kiên nói.

*****

Bài viết: Phóng viên Võ Thơ

Nguồn: Báo Pháp Luật (https://plo.vn/lam-sao-de-tre-khiem-thinh-tu-tin-hoa-nhap-cong-dong-post777564.html

Dự án đang làm liên quan

SỐ PHẬN DO CON NGƯỜI TẠO RA
KHIẾM THÍNH CHỈ LÀ BẤT TIỆN, KHÔNG PHẢI BẤT HẠNH
Con là niềm tự hào của thầy cô

Bài đọc nhiều nhất

Thông báo

Video Clip