HỘI THẢO GIỚI THIỆU DỰ ÁN “ĐỂ NGƯỜI KHIẾM THÍNH ĐƯỢC LẮNG NGHE”
"...Các bậc cha mẹ hãy tin vào con của mình..." đó là chia sẻ của anh T.H, phụ huynh trẻ khiếm thính trong buổi Hội thảo giới thiệu Dự án “Để Người khiếm thính được lắng nghe” do Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Người khiếm thính (CED) tổ chức tại Hội trường Thư viện Khoa học Tổng hợp TPHCM vào sáng chủ nhật ngày 10 tháng 12 năm 2023.
Hội thảo với hơn 60 khách tham dự bao gồm: Nguyên Thứ Trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo, TS, NGND Đặng Huỳnh Mai – Chủ tịch Liên Hiệp Hội về Người khuyết tật Việt Nam; Ông Đồng Văn Ngọc - đại diện Sở Y Tế TP.HCM; Ông Nguyễn Hoài Nam – đại diện Liên Hiệp các tổ chức Hữu nghị TPHCM (HUFO); Ông Hoàng Anh Dũng - Cán bộ chương trình và truyền thông Oxfam, đại diện Ban Thư ký Quỹ JIFF; Ông Vĩnh Phúc Bảo, Phó giám đốc Thư viện Khoa học Tổng hợp; Bà Nguyễn Thị Xuân Hương, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Pháp luật cho Người nghèo tại TPHCM (VJUSAP); Bà Lê Thị Mỹ Hiền, Nguyên phó trưởng khoa Công tác xã hội – Đông Nam Á, Trường Đại học Mở TPHCM; Bà Nguyễn Thị Ngọc, Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ Công tác xã hội Chuyên nghiệp TPHCM; Đại diện Phòng Thông dịch viên Bệnh viện Pháp Việt; Đại diện Phòng Công tác xã hội, Viện Y Dược Học Dân Tộc. Ngoài ra, buổi ra mắt dự án đã thu hút sự quan tâm từ các cơ quan ban ngành thành phố cũng như cộng đồng người khiếm thính, phụ huynh, giáo viên các Trường Chuyên biệt Ánh Dương, Trường Hy Vọng Quận 8, Trường Hy Vọng Bình Thạnh, Trường Hy Vọng Gò Vấp, Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật Huyện Củ Chi Trung tâm Bảo Trợ - Dạy Nghề và Tạo việc làm Thành phố, Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Giáo dục Hòa nhập Bình Chánh, Trung tâm Giáo dục Trẻ Khuyết tật Thuận An Bình Dương, Cơ sở bảo trợ xã hội Thảo Đàn, Công ty Bước Lên Cùng Nhau (SUT) và Báo Thông Tấn Xã Việt Nam, Báo Pháp Luật và Đài truyền hình HTV.
Chương trình mở màn với video chia sẻ về những trăn trở, khó khăn của người khiếm thính (điếc, nghe kém, mất thính lực muộn) trong việc thăm khám, chữa bệnh và tiếp cận thông tin pháp luật cũng như yêu cầu trợ giúp pháp lý, đồng thời nhìn lại hành trình hoạt động của dự án trước đó CED đã thực hiện vào năm 2020 - 2021, đây cũng là cơ sơ để CED thực hiện dự án tiếp nối trong năm 2023 – 2024. Sau bài phát biểu tuyên bố lý do thực hiện dự án của Bà Dương Phương Hạnh - Giám đốc CED là phần chia sẻ của Bà Tô Thị Bích Phương - Phó Giám đốc về các hoạt động của CED. Cô Triệu Thúy Mi, Quản lý dự án đã giới thiệu về dự án, các hoạt động chính nhằm phát triển kỹ năng giao tiếp và công cụ hỗ trợ giao tiếp với người khiếm thính (điếc, nghe kém, mất thính lực muộn) và những kết quả mong đợi từ dự án.
Hội thảo hân hạnh được tiếp đón TS. NGND Đặng Huỳnh Mai, Chủ tịch Liên Hiệp Hội Người Khuyết Tật Việt Nam, Nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT. Với nhiều sự thấu cảm, sẻ chia dành cho người khuyết tật, người khiếm thính, Bà Mai chia sẻ Liên Hiệp Hội về Người khuyết tật Việt Nam sẽ luôn sát cánh đồng hành cùng CED để “Không ai bị bỏ lại phía sau”.
Luật sư của dự án - Bà Nguyễn Thị Xuân Hương - Giám đốc Trung tâm Tư vấn Pháp lý cho Người Nghèo Việt Nam tại TpHCM đã trình bày về các luật liên quan tới người khuyết tật, chuỗi hoạt động truyền thông pháp luật và trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật, người khiếm thính và đúc kết từ các buổi truyền thông đã thực hiện.
Đại diện Sở Y Tế TPHCM đã có phần phát biểu với tinh thần ủng hộ hết sức để CED có thể triển khai dự án, đem lại nhiều lợi ích cho người khiếm thính. Hội thảo đã có những giây phút lắng đọng cảm xúc với những chia sẻ chân thực từ chính phụ huynh có trẻ khiếm thính với niềm tin, yêu thương và sự đồng hành cùng con học tập và trưởng thành, hai đại diện người điếc và người nghe kém về những khó khăn mà người khiếm thính gặp phải trong cuộc sống, không chỉ trong việc khám bệnh, trợ giúp pháp lý mà còn trong hành trình học tập, làm việc và tham gia hoạt động xã hội. Về phần chia sẻ ở góc nhìn của một trung tâm của và vì người khiếm thính, Bà Dương Phương Hạnh nhấn mạnh: chính trẻ khiếm thính và gia đình quyết định sự phát triển của trẻ. CED chỉ hướng dẫn các em kỹ năng tự bảo vệ bản thân trong môi trường hòa nhập, biết hỏi gì và hỏi ai.
Ghi nhận tất cả những điều này và cố gắng hết sức trong khả năng của mình, CED đã và đang tiếp tục nỗ lực thực hiện dự án với sứ mệnh: “Để Người Khiếm Thính được Lắng Nghe!”
Trân trọng và Cảm ơn.
---
Hội thảo có thông dịch ngôn ngữ ký hiệu và dịch lời nói thành văn bản (caption).
Hội thảo thuộc khuôn khổ hoạt động của Dự án “Để Người khiếm thính được lắng nghe” được tài trợ bởi Quỹ Thúc đẩy Sáng kiến Tư pháp (Quỹ JIFF). Quỹ JIFF, do Oxfam tại Việt Nam quản lý, là một trong hai hợp phần của dự án “Tăng cường Pháp luật và Tư pháp tại Việt Nam” (EU JULE JIFF) do Liên minh Châu Âu tài trợ và Bộ Tư pháp là cơ quan chủ quản.